Thứ sáu 24/01/2025 13:47

Chuyện lộ thông tin cá nhân: Có chế tài nhưng khó xử lý dứt điểm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong thời gian vừa qua, chuyện người sử dụng số điện thoại di động bị lộ thông tin cá nhân gần như đã trở thành phổ biến. Thế nên cái chuyện hàng ngày, hàng giờ người ta có thể nhận đến hàng chục cuộc điện thoại mời chào, tiếp thị đủ các vấn đề diễn ra như cơm bữa. Từ hỏi mua bán, tham gia dịch vụ bảo hiểm, du lịch, khám chữa bệnh… đến mời chào sử dụng dịch vụ gia sư, tiếng Anh rành rẽ như các nhân viên telesales ấy đang hàng ngày “nằm ở gậm giường” nhà bạn.

Mới về nhà từ bệnh viện, hoàn thành thiên chức làm mẹ được vẻn vẹn một hôm, đến ngày hôm sau, chị Nguyễn Ngọc (Long Biên, Hà Nội) đã nhận gần chục tin nhắn, cuộc gọi để mời chào sử dụng dịch vụ làm đẹp sau sinh, thông tắc tia sữa, tắm rửa cho bé…

Ban đầu chị còn thấy cảm động vì bệnh viện sao mà chu đáo thế, nhưng sau khi nhận đến cuộc gọi thứ ba, chị bắt đầu thấy khó chịu và cẩn thận nghe, chị mới hiểu, đó thực sự không phải là cuộc gọi từ bệnh viện, mà từ những spa, trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân, thậm chí là cả những cá nhân đang cố gắng mời chào chị sử dụng dịch vụ.

Chưa hết, không chỉ là cuộc gọi, các tin nhắn dưới dạng mời chào, tiếp thị mua sữa, bỉm… cũng dồn dập báo vào điện thoại. Cảm giác đang nghỉ ngơi, hồi phục sau lần vượt cạn bị phá vỡ bởi những cú điện thoại, tin nhắn dồn dập khiến chị thấy ức chế và vô cùng bực bội.

“Rất lạ là tất cả những người gọi điện thoại đó đều hiểu rất rõ tình trạng sức khỏe, ngày giờ ra viện của tôi… Mới chỉ ra viện chiều qua, đến sáng nay đã tiếp 4, 5 cuộc điện thoại mời chào. Đến người quen của tôi nhiều người còn không biết tình trạng tôi rõ như thế, nên tôi thực sự thắc mắc không hiểu thông tin của tôi bị lộ là do ai, đơn vị nào?!” Chị Ngọc bức xúc.

Không chỉ chị Ngọc, mới đây, tài khoản P.V.Y đã chia sẻ trên một diễn đàn có rất đông thành viên trên mạng xã hội, chị cầu cứu: “Trong niềm hạnh phúc hân hoan khi được nhận nhà mới, em không ngờ cuộc sống em đã bị đảo lộn hoàn toàn. Cuộc gọi đầu tiên trong thang máy trước khi được xem căn hộ: “Chị ơi hôm nay chị đi nhận căn hộ ở Imperia à, bên em làm nội thất, chị đã làm chưa để bên em làm cho”.

Và sau đó là những chuỗi ngày sống trong sự tức giận bởi hàng chục cuộc gọi từ sáng tới tối: “Chị mới nhận nhà ở Imperia à, nhà chị đã làm bàn thờ chưa? Bàn thờ bên em có nhiều kích thước giá từ 1,2 triệu, bọn em sẽ miễn phí vận chuyển làm bằng gỗ....”

Và tài khoản này bức xúc: “Việt Nam có cái luật nào bảo vệ thông tin người dùng không? Ai có trách nhiệm điều tra việc này? Cần phải trừng trị bọn mua và bán thông tin như thế nào? Làm thế nào để không ai bị như em nữa? Làm thế nào để nếu chưa có luật thì phải ra được? Thực sự là không thể chịu đựng nổi các thể loại bán hàng như thế này, có nhu cầu em cũng không bao giờ mua!”.

chuyen lo thong tin ca nhan co che tai nhung kho xu ly dut diem
Lời "cầu cứu" của dân cư mạng

Cùng cảnh ngộ, tài khoản N.V.Đ chia sẻ: “ Em dùng số điện thoại chính chủ từ năm 2005 đến giờ, thời gian đầu em trả sau và cước có tháng lên đến hơn hai triệu, có tháng lên đến ba triệu…”

Tất lẽ dĩ ngẫu là anh được xếp vào hạng khách hàng VIP, nhưng hàng loạt những “hệ quả” sau đó mới làm anh đau đầu. Sau khi anh lên khách hàng VIP, cũng là lúc ngân hàng mời mở thẻ tín dụng rồi vay tín chấp, hỗ trợ tín dụng mua nhà mua xe, nào là bảo hiểm nhân thọ, nào là bất động sản, nào là trung tâm Anh ngữ, nào là chứng khoán, nào là giao dịch vàng ảo, nào là gia sư… Ức chế, anh Đ phải hủy dịch vụ trả sau mà chuyển gói trả trước. Thế nhưng cũng không hẳn đã yên.

Chuyện hàng ngày, hàng giờ các chủ thuê bao nhận được vô vàn các cuộc gọi và người lạ không quen ấy biết vanh vách tên tuổi, địa chỉ, nhà cửa thậm chí cả con cái bấy lâu trở thành chuyện… thường ngày ở huyện.

Nói về câu chuyện này, anh Phạm Văn Bình (Hoàng Mai, Hà Nội), một nhân viên marketting chia sẻ: “Em cũng đã từng làm marketting ở một số các trung tâm thẩm mỹ. Nếu để tự có data khách hàng từ chính những người sử dụng dịch vụ của mình là việc làm tốn rất nhiều thời gian và công sức. Để đi “đường tắt” bọn em thường mua data của khách hàng.”

Chuyện mua thì đơn giản, anh Bình cho biết, có thể từ chính những nhân viên marketting của các thẩm mỹ viện khác, họ có thể đã nghỉ việc, nhưng vẫn lưu giữ data của khách hàng và đem bán cho các thẩm mỹ có nhu cầu. Hoặc chơi bài liên kết với các nhãn hàng khác, ví dụ như thời trang, mỹ phẩm, ngân hàng… rồi trao đổi chéo data khách hàng của mình.

Hoặc cũng trực tiếp hơn: “Cái này chơi hơi xấu, nhưng hiệu quả lại khá cao, đó là một số fanpage của các nhãn hàng, doanh nghiệp hoặc thẩm mỹ viện sau khi chạy quảng cáo khách hàng biết đến và để lại số điện thoại, và số điện thoại đó cũng chính là cái làm giàu lên kho dữ liệu data của bọn em. Chơi xấu, nhưng hiệu quả đôi khi lại rất… đẹp.”

Anh Bình cũng cho biết, việc có được data khách hàng không hề khó. Thậm chí có những công ty chuyên bán data khách hàng, phân theo từng nhóm và phục vụ hầu như tất cả những doanh nghiệp có nhu cầu.

chuyen lo thong tin ca nhan co che tai nhung kho xu ly dut diem
Không khó để tìm mua data khách hàng với một cú click chuột

Để giải quyết “vấn nạn” trên, theo như ý kiến của những người trong cuộc là tương đối nan giải. Bởi chính họ cũng không thể lần ra hoặc khẳng định được mình để lộ thông tin trong trường hợp nào, hoặc ai đã bán thông tin của họ ra ngoài.

Khi hiến kế, cũng chỉ đến như tài khoản N.A: “Cách đơn giản là chặn số điện thoại đó đi.” Thế nhưng cũng không đơn giản, bởi một dịch vụ có khi sử dụng 4, 5 đầu số. Hoặc như tài khoản D.N thì buông xuôi: “Mình là người bị động, chẳng biết số điện thoại bị bán cho ai, lúc nào. Trước đây cũng bực mình lắm, bị làm phiền suốt, toàn các dịch vụ giời ơi đất hỡi mình không quan tâm. Giờ nghĩ cũng chẳng cần phải để rác trong đầu làm gì.

Việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định trong hiến pháp, theo luật sư Quang Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội thì Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định rõ quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân và trở thành một nguyên tắc hiến định ở nước ta.

Điều 387 Bộ luật dân sự 2015 quy định trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.

Theo Điều 65 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng… Còn điểm a khoản 5 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Như vậy, việc mua bán trao đổi thông tin, dữ liệu của người khác mà chưa được cho phép là phạm luật. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này lại không hề dễ dàng, bởi chính bản thân người bị lộ thông tin cũng không có căn cứ, hoặc có thể truy xuất được mình bị lộ ở đâu, khâu nào. Một phần cũng bởi chính sự dễ dãi của chính chủ thể khi rất dễ dàng trao đổi, cho số điện thoại cá nhân của mình ở mọi nơi, mọi chỗ.

Vậy nên, mỗi người nên có ý thức tự bảo vệ thông tin của mình và thận trọng khi cung cấp những thông tin đó.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động