Có thể phải bồi thường nếu từ chối trái luật yêu cầu của Thừa phát lại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThừa phát lại không được kiêm nhiệm luật sư, công chứng viên
Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL), nhằm quy định cụ thể, chặt chẽ hơn hoạt động bổ trợ tư pháp này.
Theo Dự thảo, TPL là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Để được bổ nhiệm TPL, ngoài các yêu cầu về đạo đức, sức khỏe, phải không quá 65 tuổi và có bằng tốt nghiệp ĐH hoặc trên ĐH chuyên ngành luật. Đồng thời, phải có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp ĐH hoặc trên ĐH chuyên ngành luật; đã tốt nghiệp khóa đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề TPL và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề TPL.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định quy định các công việc Thừa phát lại được làm bao gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, Dự thảo cũng nêu rõ những việc TPL không được làm. Cụ thể, TPL không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định; sử dụng thông tin về hoạt động của TPL để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, không được đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng viên, luật sư, thẩm định giá viên, đấu giá viên, quản tài viên.
Không nhận làm những việc liên quan đến ”người thân”
Bên cạnh đó, trong khi thực thi nhiệm vụ, TPL không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của TPL, của vợ hoặc chồng của TPL; cháu ruột mà TPL là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì. Ngoài ra, TPL không được thực hiện những công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện cho các TPL và Văn phòng TPL hoạt động, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm phối hợp của cá nhân, cơ quan, tổ chức với TPL, Văn phòng TPL.
Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với TPL, Văn phòng TPL trong việc thực hiện các công việc của TPL theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của TPL, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của TPL, Văn phòng TPL, từ chối trái pháp luật yêu cầu của TPL hoặc tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của TPL đều bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại (nếu có).
H.L / PL&XH

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại