Thứ sáu 24/01/2025 15:18

Cuộc đời nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thăng trầm của nhạc sĩ Vinh Sử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời vào ngày 10/9 tại BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), hưởng thọ 78 tuổi. Cuộc đời nam nhạc sĩ trải qua nhiều thăng trầm. Ông ra đi trong hoàn cảnh khó khăn, bạo bệnh.
Cuộc đời nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thăng trầm của nhạc sĩ Vinh Sử
Nhạc sĩ Vinh Sử có nhiều đóng góp cho dòng nhạc Bolero

Nhạc sĩ Vinh Sử tên thật là Bùi Vinh. Ông sinh năm 1944 tại TP.HCM trong một xóm lao động nghèo. Gia đình có 4 anh chị em nhưng chỉ có nhạc sĩ Vinh Sử được đi học. Từ nhỏ, ông đã có năng khiếu thơ và âm nhạc.

Năm 12 tuổi, nhạc sĩ Vinh Sử quyết định đi bán báo để lấy tiền học chữ và nhạc. Nhờ có năng khiếu nên ông được nhận vào trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP. HCM) nhưng học được hơn một năm thì ông bị đuổi vì ham chơi.

Nhạc sĩ từng chia sẻ vì buồn bã nên ông viết nên bản nhạc đầu tiên trong sự nghiệp - "Yêu người chung vách". Ca khúc này khi được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn ngay lập tức được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, ông tiếp tục cho ra nhiều tác phẩm chất lượng và trở thành nhạc sĩ bán bài hát được nhiều tiền nhất thời điểm bấy giờ.

Ngoài sáng tác đầu tay tạo được tiếng vang, nhạc sĩ Vinh Sử còn có rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Nhẫn cỏ cho em", "Gõ cửa trái tim", "Đêm lang thang", "Qua ngõ nhà em", "Người phu kéo mo cau", "Hai bàn tay trắng", "Hai mái nhà tranh", "Làm dâu xứ lạ", "Mưa bụi",...

Cố nhạc sĩ sáng tác với nhiều bút danh như: Bồng Nga Nữ, Chế Huyền Trân, Hàn Ni, Linh Ngân, Ly Ca, Thục Chương, Cô Phượng, Diễm Nhi, Đức Vượng,... Tên tuổi ông gắn liền dòng nhạc trữ tình, quê hương. Chủ đề sáng tác của ông thường là những số phận không may, những cuộc tình dang dở mà mình đã đi qua, cuộc sống của người dân lao động,...Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì thấy bản thân mình trong đó. Vì thế, ông thường được mọi người gọi là "nhạc sĩ của giới bình dân", "vua nhạc Bolero".

Một trong những tác phẩm rất nổi tiếng của nhạc sĩ Vinh Sử là "Gõ cửa trái tim". Cố nhạc sĩ từng chia sẻ khi ấy, ông thầm yêu một cô gái xinh đẹp, giàu có nhưng ông tự thấy mình nghèo, xấu nên không dám ngỏ lời. Bạn bè trêu chọc rằng ông nhát gan không dám bày tỏ. Xấu hổ, ông về nhà viết nên ca khúc "Gõ cửa trái tim" sau này được nhiều ca sĩ tên tuổi như Quang Lê, Lệ Quyên... thể hiện.

Ca khúc "Nhành cây trứng cá" cũng lấy cảm hứng từ việc nhạc sĩ thương mến cô gái thích ăn trái trứng cá. Chiều sở thích của người yêu, nhạc sĩ thường canh lúc mẹ cô đi vắng để trèo lên cây hái xuống cho người yêu ăn.

Nhờ tài năng sáng tác, nhạc sĩ Vinh Sử nhanh chóng nổi tiếng và giàu có. Tiền tác quyền giúp ông có cuộc sống xa hoa nhưng ông lại dùng số tiền kiếm được đổ vào những cuộc ăn chơi. Ông từng thừa nhận thời điểm sự nghiệp ở đỉnh cao, ông đã “ném tiền qua cửa sổ”, giờ muốn nhặt lại cũng không có mà nhặt.

Về đời tư, nhạc sĩ Vinh Sử có 4 người vợ, 6 người con. Năm 2006, ông và người vợ thứ 4 chia tay. Ông rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phải cầm cố tài sản.

Năm 2011, nhạc sĩ Vinh Sử phát hiện bị ung thư đại tràng. Năm 2014, ung thư chuyển sang giai đoạn di căn khiến phần đời còn lại của ông chìm ngập trong khó khăn, bạo bệnh. Ông sút gần 20kg, phải mang hậu môn giả, đi lại khó khăn,…Khoảng 3 tháng nay, bệnh tình trở nặng khiến ông phải nằm một chỗ trong phòng hồi sức.

Biết hoàn cảnh của nhạc sĩ Vinh Sử, nhiều đồng nghiệp từng chung tay làm đêm nhạc quyên góp, hỗ trợ nhạc sĩ tiền chữa bệnh. Danh ca Giao Linh chia sẻ có lần bà cùng chồng sang thăm nhạc sĩ Vinh Sử, thấy trong nhà không có gì ngoài chiếc xe máy cũ. Vợ chồng bà liền mua tặng hai chiếc ghế và tấm đệm mới để nhạc sĩ sinh hoạt thoải mái hơn. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng giúp ông sửa lại căn nhà sập xệ.

Khó khăn, bệnh tật nhưng cố nhạc sĩ không muốn làm phiền đến con cháu. Ông không ở cùng với người con nào. Hơn nữa, ông muốn dành không gian yên tĩnh để sáng tác âm nhạc.

Thấy hoàn cảnh nhạc sĩ Vinh Sử bị bệnh tật, khó khăn, cô đơn nên một trong những người vợ cũ của ông là bà Ngọc Lệ đã quay trở về chăm sóc ông vài năm nay. Bà cho biết khi ông ra đi, bà mất một người bạn chia sẻ lúc về già. Song, bà không hối tiếc vì quãng thời gian ở cạnh, chăm sóc cố nhạc sĩ.

Lễ viếng nhạc sĩ Vinh sử diễn ra trong 4 ngày (10-14/9). Lễ di quan diễn ra sáng 15/9 và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Nhạc sĩ Vinh Sử  chê nghệ sỹ Hoài Linh  không biết gì về bolero? Nhạc sĩ Vinh Sử chê nghệ sỹ Hoài Linh không biết gì về bolero?
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động