Chủ nhật 20/04/2025 04:58
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Sở Tư pháp và Trường ĐH Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tiến sĩ Nguyễn Văn Năm, Trường ĐH Luật Hà Nội đã có tham luận góp ý Dự thảo Luật.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam
Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Sở Tư pháp và Trường ĐH Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo TS Nguyễn Văn Năm, qua xem xét Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi), ông nhận thấy trong Dự thảo có một số quy định là sự bổ sung cho pháp luật hiện hành: Hàng loạt điều luật mới so với Luật Thủ đô năm 2012; nhiều điều luật bổ sung các quy định mới, chính sách mà trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định.

Một số quy định có sự khác biệt với pháp luật hiện hành: Các quy định theo hướng tạo nhiều ưu đãi hơn so với các văn bản khác, chẳng hạn quy định thuế suất thấp hơn, quy định hỗ trợ tài chính cao hơn; phân quyền mạnh hơn cho chính quyền Hà Nội...

Một số quy định có sự mâu thuẫn với pháp luật hiện hành: Luật quy định một số chế độ đặc thù đối với cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế cơ sở của Thủ đô (được tuyển dụng thẳng không qua thi...) mâu thuẫn với các quy định tại Điều 23 Luật Viên chức.

Đối với những vấn đề nêu trên, TS Nguyễn Văn Năm cho rằng, cần có cơ chế xử lí thỏa đáng để một mặt vẫn tạo ra cơ chế mở, thoáng, đặc thù, cao hơn cho Thủ đô so với các địa phương khác, tạo điều kiện pháp lí thuận lợi để khai thác các tiềm năng, điều kiện để thúc đẩy Thủ đô phát triển mạnh mẽ, nhưng mặt khác vẫn đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Giải quyết điều này, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Điều 4. Áp dụng Luật Thủ đô. TS Nguyễn Văn Năm nhận định, đây là điều luật mới, rất cần thiết và ông đánh giá rất cao Điều 4 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi năm 2020) đã quy định một điều luật riêng rẽ (Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật), tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào Điều 156 này thì nhiều quy định của Luật Thủ đô sẽ trở nên bất lực, không thể phát huy tác dụng.

“Điều 4. Dự thảo Tuật Thủ đô quy định: Áp dụng Luật Thủ đô.

Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô. Trường hợp Luật Thủ đô không có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định”.

TS Nguyễn Văn Năm cho biết, cần thiết phải bàn sâu hơn vào Điều 4 trong Dự thảo này. Trước hết, chúng ta bàn về khoản 1 Điều này. Đối chiếu pháp luật hiện hành, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020), tại khoản 3 có quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Theo TS Nguyễn Văn Năm, tại Khoản 1 Điều 4 thì cần chia hai trường hợp: Một là, nếu đó là sự khác nhau giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực: Khi đó, việc Dự thảo quy định áp dụng Luật Thủ đô là hoàn toàn phù hợp (áp dụng văn bản ban hành sau).

Hai là, nếu đó là sự khác nhau giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực: Trường hợp này, Dự thảo quy định áp dụng Luật Thủ đô là trái với Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản này quy định trường hợp này phải áp dụng văn bản ban hành sau).

Chúng ta không nên hiểu một cách đơn giản là Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo chỉ đề cập những luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực. Bởi vì, sau khi Luật được ban hành, có hiệu lực, đi vào cuộc sống thì cùng với các luật nghị quyết khác, chúng sẽ được ưu tiên áp dụng như nhau dựa trên thời gian ban hành để ưu tiên áp dụng.

Mặt khác, giả sử nếu nhà làm luật chỉ có dụng ý đề cập trường hợp thứ nhất thì thực ra quy định tại khoản 1 là không cần thiết, vì điều đó là đương nhiên theo quy định tại Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì thế cần hiểu đúng tinh thần của khoản 1 là chủ ý nhà làm luật muốn đề cập cả những luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành cả trước và sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực. Tuy nhiên, như vừa nói, đối với những luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực mà lại quy định áp dụng Luật Thủ đô là trái với khoản 3 Điều 156 Luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu những văn bản ban hành sau mà có những quy định cơ chế, chính sách “chặt chẽ” hơn; “không thuận lợi hơn”; thậm chí “khó khăn” cho việc phát triển Thủ đô mà vẫn áp dụng chúng cho phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì lại trái với chủ trương, đường lối của Đảng và tinh thần của Luật Thủ Đô. Điều này vô hình trung lại vô hiệu hóa các quy định của Luật Thủ đô.

Theo TS Nguyễn Văn Năm, để vừa tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển Thủ đô, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì một mặt cần giữ quy định như khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), mặt khác, sau khi Luật Thủ đô được ban hành cần sửa đổi khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng có những trường hợp đặc thù, chứ không phải áp dụng đối với mọi trường hợp văn bản ban hành sau. Theo đó, khoản 3 Điều 156 có thể sửa thành: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau, trừ trường hợp văn bản có quy định riêng về việc áp dụng”.

Đối với khoản 2 Điều 4 của Dự thảo quy định: “Trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND TP Hà Nội quyết định” cũng cần phải được trao đổi thêm…

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như đảm bảo yếu tố kĩ thuật lập pháp, TS Nguyễn Văn Năm đề xuất sửa Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cả về nội dung và hình thức như sau: “Điều 4. Áp dụng Luật Thủ đô

1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô.

2. Trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì áp dụng những quy định đó.

3. Trường hợp Luật Thủ đô không có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành”.

TS Nguyễn Văn Năm cũng đề nghị rà soát các quy định của pháp luật hiện hành để kịp thời xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật, nhằm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lí, kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập, phát huy được mọi nguồn lực xã hội cũng như của Thủ đô để phát triển Thủ đô về mọi mặt.

Trước mắt, cần sửa đổi Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như đã kiến nghị ở trên: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau, trừ trường hợp văn bản có quy định riêng về việc áp dụng”.

Bên cạnh đó, phải khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô; văn bản quy định chi tiết phải thống nhất và có hiệu lực đồng thời với Luật Thủ đô, tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư...

Phát triển Thủ đô theo hướng giao thông công cộng (TOD) Phát triển Thủ đô theo hướng giao thông công cộng (TOD)
Góp phần hoàn thiện về nội dung và chất lượng của Luật Thủ đô (sửa đổi) Góp phần hoàn thiện về nội dung và chất lượng của Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động