Thứ sáu 24/01/2025 00:41

Đăng tải lên MXH giấy tờ tùy thân của người đánh mất: Có thể bị xử phạt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với nhiều người, khi nhặt được căn cước công dân, giấy tờ tùy thân… của người khác, họ thường chụp ảnh rồi đăng tải lên mạng xã hội để tìm người đánh mất. Tuy nhiên, hành vi tưởng chừng như “làm phúc” này lại có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền lên đến 10 triệu đồng.
Đăng tải lên MXH giấy tờ tùy thân của người đánh mất: Có thể bị xử phạt
Đăng tải lên MXH giấy tờ tùy thân của người đánh mất: Có thể bị xử phạt

Mới đây, trên đường đi làm về anh N.T.L (Cầu Giấy) có nhặt được một chiếc ví có chứa giấy tờ tùy thân cùng ít tiền của một người khác. Cũng đã từng bị mất giấy tờ tùy thân nên anh biết sự bất tiện khi phải loay hoay làm lại đám giấy tờ này, vậy nên việc đầu tiên khi về nhà anh đã mang căn cước công dân, bằng lái xe… cùng một số thẻ trong chiếc ví rồi đăng lên các hội nhóm trên facebook để tìm người đã đánh rơi.

Anh cho biết, sau một hai ngày đăng tải thông tin, đã có người điện đến cho anh và nhận mình là chủ nhân chiếc ví. “Cậu ta đã đến gặp tôi, sau khi xác định đó chính là chủ nhân của chiếc ví tôi đã trả lại cậu ấy. Thấy cậu ấy vui mừng tôi cũng vui lây vì thấy ít nhất những động thái của mình trên mạng xã hội cũng có ích” – anh L. cho biết. Tuy nhiên anh khi được hỏi về việc anh có che đi các dữ liệu cần thiết như số căn cước, ngày tháng năm sinh hoặc hộ khẩu thường trú trên các giấy tờ kia thì anh cho rằng, điều đó anh không nghĩ tới.

Tương tự như câu chuyện của anh L. xảy ra rất nhiều. Anh P.T.B (Hoàng Mai) admin của một fanpage với khá nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội cho biết, anh cũng thường xuyên được nhờ đăng tải những thông tin và hình ảnh giấy tờ tùy thân để tìm người đánh rơi. “Đa phần các ảnh gửi tôi đều không che hoặc xóa các thông tin trên giấy tờ. Nhiều khi ngại thêm mấy thao tác nên tôi cũng sẽ đăng đúng như vậy mà không che bớt đi…” – anh nói.

Câu chuyện trên đây không hiếm thấy trên mạng xã hội, tuy nhiên, công việc tưởng chừng như “làm phúc” ấy lại ẩn chứa những hậu quả không hay cho chủ nhân của các giấy tờ đó.

Theo cán bộ Phòng CSHS – CATP Hà Nội, hành vi chia sẻ của những người trên tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân. Bởi lẽ, chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD là các đối tượng xấu có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Từ những thông tin đó, các đối tượng này có thể dễ dàng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Các đối tượng có thể dùng hình ảnh CCCD (hay CMND) hai mặt đăng ký tài khoản ngân hàng, hoặc vay tiền trên app, bị dùng để đăng ký số điện thoại trả sau và có thể bị dùng để đăng ký mã số thuế ảo…

Hiện tại có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hình ảnh CCCD (hay CMND) hai mặt là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Vì vậy mà các đối tượng khác thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm mục đích chiếm đoạt.

Các app cho vay tiền online này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, nhưng có nhược điểm lớn nhất đó là bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng quá trình xác minh rất sơ sài, từ đó tạo sơ hở và kẽ hở cho những đối tượng khác có cơ hội để chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay.

Cũng đã có rất nhiều người bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CCCD (hay CMND) hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế, hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước một cách vô tội vạ.

Dưới góc độ pháp lý, việc đăng tải các thông tin riêng tư của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo đó, tại điểm e, khoản 3 điều 102 nêu rõ: Hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng với các tổ chức, từ 5 – 10 triệu đồng với cá nhân.

Do vậy, khi nhặt được các giấy tờ tùy thân của người khác, người nhặt không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND… của người khác trên mạng xã hội mà không làm mờ hoặc che đi các thông tin quan trọng. Và ngoài việc đăng tải thông tin, người nhặt được cần mang đến trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để nộp lại.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động