Đẩy mạnh học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐẩy mạnh học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa |
Mục tiêu chung của Chương trình là tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Cụ thể, đối với hệ thống thư viện, Chương trình phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 70% thư viện công cộng cấp huyện, 40% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 90%, 60%, 100%, 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng.
Chương trình phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 60% thư viện công cộng cấp huyện, 20% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 70%, 30%, 100%, 100% và 80% các chỉ tiêu tương ứng.
Đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.
Đối với hệ thống bảo tàng, đến năm 2025, phấn đấu đạt 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% bảo tàng xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số.
Đến năm 2025, phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.
Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp, Chương trình phấn đấu đến năm 2025, phấn đấu đạt 80% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích.
Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ học tập suốt đời phù hợp với đối tượng ở từng vùng, miền, địa phương.
Đồng thời, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đổi mới và phát triển các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa...
Quận Ba Đình khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022 | |
Đẩy mạnh học tập suốt đời trong công nhân lao động |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại