Thứ sáu 24/01/2025 00:27
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Ô-xtrây-li-a

Đẩy mạnh hợp tác, tăng cường lòng tin, nỗ lực xây dựng một trật tự khu vực mở rộng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 18-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục tham dự các hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Ô-xtrây-li-a tại Xít-ni.

Tại Phiên họp toàn thể, các Nhà lãnh đạo đã dành thời gian trao đổi về định hướng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Ô-xtrây-li-a với hai trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế và chống khủng bố.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Man-côm Tơn-bun nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Ô-xtrây-li-a đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này sẽ là cơ hội để hai bên đẩy mạnh hợp tác, làm sâu sắc thêm và tạo động lực mới cho quan hệ đối tác đã có quá trình phát triển vững mạnh hơn 44 năm qua.

Chia sẻ quan điểm này, các nước cho rằng ASEAN và Ô-xtrây-li-a là đối tác cùng chung lợi ích ở khu vực, khẳng định cam kết tăng cường hợp tác xây dựng một khu vực hòa bình và thịnh vượng cho người dân ASEAN;

Đánh giá cao sự phối hợp và ủng hộ tích cực của Ô-xtrây-li-a đối với các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN và hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng như trong triển khai các kế hoạch kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN.

Về phần mình, Ô-xtrây-li-a khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ, đồng thời tiếp tục tăng cường cơ chế đối thoại ở các cấp với ASEAN về các vấn đề chiến lược ở khu vực, như tại Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Về kinh tế, các nước nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư rộng mở ở khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ cũng như làm sâu sắc hơn liên kết kinh tế giữa ASEAN và Ô-xtrây-li-a.

Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác hướng đến tăng trưởng bền vững và sáng tạo, trong đó chú trọng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tạo công ăn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho người dân, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số...

Đẩy mạnh hợp tác, tăng cường lòng tin, nỗ lực xây dựng một trật tự khu vực mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ô-xtrây-li-a. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

ASEAN và Ô-xtrây-li-a cũng cam kết đẩy mạnh trao đổi và kết nối các doanh nghiệp hai bên, gia tăng trao đổi thương mại và đầu tư trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Ô-xtrây-li-a.

Các Nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa qua, coi đây là bước tiến đáng khích lệ nhằm duy trì đà liên kết kinh tế và mở cửa ở khu vực.

ASEAN và Ô-xtrây-li-a cũng đồng thời tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh đàm phán để hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo đúng thời hạn đề ra.

Các Nhà Lãnh đạo cũng đã nghe và ghi nhận báo cáo kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN - Ô-xtrây-li-a đã diễn ra ngày 17-3; nhất trí cho rằng các nước cần nỗ lực tối đa để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng không có rào cản đối với các doanh nghiệp hai bên vì các doanh nghiệp chính là xương sống của quan hệ kinh tế ASEAN –Ô-xtrây-li-a.

Trao đổi sau khi nghe báo cáo kết quả Hội nghị ASEAN – Ô-xtrây-li-a về hợp tác chống khủng bố quốc tế, các Nhà Lãnh đạo ghi nhận những tiến triển tích cực, thực chất trong hợp tác chống khủng bố giữa hai bên thời gian qua kể từ khi ký kết Tuyên bố chung ASEAN – Ô-xtrây-li-a năm 2016 về Hợp tác phòng chống khủng bố.

Hai bên nhất trí rằng việc ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác phòng chống khủng bố ngày 17-3 là mốc quan trọng trong nỗ lực tăng cường hợp tác, ngăn ngừa việc truyền bá tư tưởng khủng bố và ứng phó hữu hiệu trước các hành động khủng bố đang đe dọa an ninh và sự bình yên của các quốc gia và người dân trong khu vực.

Nhấn mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo và giao lưu nhân dân là một điểm sáng trong quan hệ đối tác ASEAN – Ô-xtrây-li-a thời gian qua, các Nhà Lãnh đạo nhất trí hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực trên lĩnh vực này, nhất là trong khuôn khổ Kế hoạch Colombo mới và đẩy mạnh các chương trình học bổng của Chính phủ Ô-xtrây-li-a dành cho sinh viên đến từ các nước ASEAN.

Trao đổi tại Phiên họp hẹp, các Nhà Lãnh đạo ASEAN - Ô-xtrây-li-a đã thảo luận sâu về các vấn đề chiến lược của khu vực và quốc tế các bên cùng quan tâm, trong đó có sáng kiến hợp tác giữa hai vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tình hình Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, quan hệ giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng năng động ở khu vực v.v.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về định hướng quan hệ đối tác và hợp tác kinh tế giữa ASEAN – Ô-xtrây-li-a trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ ASEAN – Ô-xtrây-li-a đang ở vào thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất sau 44 năm củng cố và phát triển.

Để mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ này vì lợi ích của hai bên cũng như vì hợp tác và ổn định chung ở khu vực, hai bên cần:

Đẩy mạnh hợp tác, tăng cường lòng tin, nỗ lực xây dựng một trật tự khu vực rộng mở, minh bạch và thu nạp, đảm bảo mọi hành xử của các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chung của nhau. Các cơ chế hợp tác do ASEAN đóng vai trò chủ đạo là những diễn đàn quan trọng để hai bên cùng phát huy các nỗ lực này.

Duy trì đà liên kết kinh tế và mở cửa để cùng phát triển thịnh vượng, trước hết là triển khai hiệu quả Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Úc - Niu Di- lân, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), chú trọng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kết nối và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của các nền kinh tế ASEAN và Ô-xtrây-li-a trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác hướng đến người dân, nhất là thông qua giáo dục- đào tạo và trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân… để tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ ASEAN – Ô-xtrây-li-a trong tương lai.

Chia sẻ quan điểm tại Phiên họp hẹp của Hội nghị khi là một trong 4 nhà Lãnh đạo ASEAN được mời phát biểu chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ tình hình an ninh trên các vùng biển ở khu vực tuy bề mặt ổn định nhưng bên trong vẫn có sóng ngầm, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn.

Thủ tướng nhấn mạnh trong hợp tác biển, trước hết cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thượng tôn pháp luật phải trở thành nền tảng cho xây dựng lòng tin và giữ gìn ổn định ở khu vực.

Thủ tướng cho rằng các nước cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ đối với hợp tác biển, từ khía cạnh đảm bảo an ninh biển đến bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển.

Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam và Ô-xtrây-li-a cùng Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì Nhóm công tác Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về An ninh biển giai đoạn 2018-2020 theo kế hoạch đã thống nhất của ARF, coi đây là đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến hợp tác và kết nối giữa hai vùng biển rộng lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương hướng tới tầm nhìn chung về một khu vực rộng mở, dựa trên luật pháp quốc tế, nơi ASEAN phát huy vai trò trung tâm thúc đẩy hợp tác cùng phát triển vì an ninh và thịnh vượng chung.

Trong thời gian tham dự các hoạt động chính của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Ô-xtrây-li-a, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Cam-pu-chia Săm-đéc Hun-sen, Thủ tướng Thái Lan Pryut Chan-o-cha, Cố vấn cao cấp của Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Cam-pu-chia Săm-đéc Hun-sen và Cố vấn cao cấp của Myanmar Aung San Suu Kyi thông báo nhận lời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 29 đến 31-3. Thủ tướng Singapore chúc mừng thành công của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bính Dương (CPTPP) đã được ký kết vừa qua tại Chi-lê, trong đó có vai trò dẫn dắt của Việt Nam.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động