Thứ sáu 24/01/2025 04:31

Đẩy nhanh chiến lược vaccine và coi trọng đảm bảo kinh tế vĩ mô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế đã kịp thời giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho tăng trưởng và nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc, giải ngân thấp,...

Chiều 13-6, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, một số cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đẩy nhanh chiến lược vaccine và coi trọng đảm bảo kinh tế vĩ mô
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc (ảnh: Doãn Tấn)

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và một số bộ, ngành của Chính phủ.

Buổi làm việc này nhằm đánh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, các đối tượng chịu ảnh hưởng theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, trên cơ sở lãnh đạo của Đảng thì Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách về tiền tệ, tài khoá, an sinh xã hội, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cũng như các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng cộng, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 09 Nghị quyết, văn bản của Quốc hội như Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với DN, HTX và tổ chức khác; Nghị quyết số 936/2020/UBTVQH14 phân bổ hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19; Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân…

Đẩy nhanh chiến lược vaccine và coi trọng đảm bảo kinh tế vĩ mô
Buổi làm việc nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, các đối tượng chịu ảnh hưởng theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua (ảnh: Doãn Tấn)

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19 và nhiều chính sách mang tính chất trực tiếp và gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chi phí cho các đối tượng. Bên cạnh đó, Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có nhiều hoạt động, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp để giảm thiểu khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch.

Việc ban hành các chính sách đã góp phần khắc phục khó khăn trong đời sống nhân dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là các chính sách về giảm, giãn, hoàn thuế. Cụ thể cả nước đã gia hạn 99,2 nghìn tỷ đồng tiến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với 57 nghìn hộ kinh doanh và tiền thuê đất cho 128,6 nghìn doanh nghiệp. Gia hạn 19,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2020 đối với xe ô tô.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế đã kịp thời giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho tăng trưởng và nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc, giải ngân thấp,...

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội tiếp tục cập nhật việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ thông qua các kênh Hội đồng nhân dân các địa phương; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm tổng kết đánh giá các gói hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có cả khối đơn vị sự nghiệp, khu vực kinh tế phi chính thức báo cáo tổng hợp để báo cáo tại Kỳ họp của Quốc hội.

Phân tích tình hình kinh tế- xã hội quốc tế, khu vực khi nhiều quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tiêm chủng vaccine diện rộng, tiến tới mở cửa nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội đánh giá kinh tế xã hội trong nước có nhiều điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thu hút đầu tư, tỷ giá ổn định, dịch bệnh bùng phát mạnh nhưng cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Về quan điểm lớn đối với kinh tế, xã hội đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW mới đây là là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” nhưng trong đó cao nhất là phòng chống dịch, bảo đảm sức khoẻ cho người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính, ngân hàng và nợ công; tiếp tục thực hiện giải pháp 5K+ công nghệ và coi vấn đề tiêm chủng vaccine là chiến lược và nghiên cứu vaccine cho trẻ em. Đồng thời, có kế hoạch, lịch trình cụ thể để tiêm vaccine để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tìm kiếm nguồn cung vaccine.

Để góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế- xã hội nói chung và chính sách hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng vì Covid-19 nói riêng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm có kịch bản tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số và kích cầu nội địa; không chủ quan với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, tiếp tục tăng cường phối hợp hiệu quả trong điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, quan tâm kiểm soát bong bóng tài sản; nhanh chóng triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động