Đề nghị ban hành quy định tuyển dụng đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức có hiệu quả Chiến lược và hai Đề án nêu trên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày báo cáo cho biết, về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, kết quả tổng hợp từ báo cáo thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày báo cáo |
Các bộ, ngành, địa phương bố trí, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo quy định. Thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu học tập và lao động. Nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh trẻ, giỏi; tỉ lệ trí thức trẻ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.
Đối với Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567), từ năm 2015 đến năm 2020, thông qua việc thực hiện Đề án đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án, với tổng kinh phí triển khai thực hiện là 29.781.224.000 đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp và đạt 53,7% kinh phí được phê duyệt.
Kết quả triển khai các lớp bồi dưỡng cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ đã chủ động học tập, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương; lĩnh hội kiến thức, phát huy tính sáng tạo trong học tập và hình thành kỹ năng phát triển năng lực vận dụng các kiến thức vào trong thực tiễn.
Với Đề án 500 trí thức trẻ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương tuyển chọn 500 đội viên và thực hiện bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, các kỹ năng cần thiết cho Đội viên trước khi bố trí về xã công tác trong 3 tháng. Đến nay, có 411 đội viên Đề án có nhu cầu được bố trí sử dụng. Trong đó, có 121 đội viên được địa phương đề xuất dự kiến vị trí bố trí, sử dụng...
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567 |
Một số đại biểu đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các Đề án và mở rộng đến các xã, phường thị trấn, đặc biệt là ở các huyện miền núi, hải đảo để bồi dưỡng cho cán bộ, công chức có tuổi đời dưới 30. Đối với địa phương đang dôi dư cán bộ, công chức mà chưa có chỉ tiêu bố trí các Đội viên Dự án 500 trí thức trẻ thì gia hạn hợp đồng, nếu thiếu thì ưu tiên bố trí sử dụng đội viên Đề án. Đề nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định tuyển dụng đối với Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ làm công chức cấp huyện trở lên.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này, đánh giá rõ nét hơn những kết quả, thành công đã đạt được, đồng thời, chỉ ra những hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục.
Đồng thời, xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó, tập trung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, lưu ý đổi mới cách làm, tránh bề nổi, hình thức, chú trọng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật, tư duy, năng lực và sức sáng tạo để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại