Thứ sáu 24/01/2025 15:27

Đề nghị giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) kiến nghị nên giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% theo quy định của Luật Việc làm. Thứ hai, dành một phần nguồn lực hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động đã tham gia đóng quỹ.
Đề nghị giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020…Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến ngày 27-10, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, đại dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Số liệu thống kê của Cục Việc làm cho thấy đến nay có gần 80.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, lao động. Cục Việc làm đưa ra 3 kịch bản: Tốt, bình thường, xấu cho thị trường lao động. Với kịch bản xấu nhất là đến hết năm nếu dịch Covid-19 không được đẩy lùi sẽ có khoảng 40 triệu lao động trong cả nước chịu tác động tiêu cực. Trong đó, các ngành du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải, khu vực phi chính thức sẽ là những ngành gặp khó khăn nhiều nhất. Số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội chuyển sang năm 2021 gồm 3 quỹ thành phần: ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng, quỹ hưu trí, tử tuất trên 789.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp liên tiếp tăng và ở mức cao, hiện đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng. Mặc dù chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 tăng 49,3% so với 2019 song vẫn kết dư 3.600 tỷ, đây là con số làm đại biểu Thạch Phước Bình hết sức băn khoăn. Trong bối cảnh người lao động lẫn doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngân sách phải gồng gánh chi cho công tác phòng, chống dịch thì nhiều quỹ tài chính độc lập, trong đó có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại có số kết dư lớn.

Đề nghị giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%
Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính riêng bảo hiểm thất nghiệp nếu giảm mức đóng xuống còn 0,5% thì mỗi năm doanh nghiệp và người lao động có khoảng 10.000 tỷ đồng để dành cho sản xuất, kinh doanh cũng như chăm lo đời sống của người lao động

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, còn lại 3 chế độ thất nghiệp khác như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chiếm tỷ lệ thấp.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, Luật Việc làm chưa thể sửa được ngay, đại biểu Thạch Phước Bình đưa ra một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh xã hội có thể dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động: Thứ nhất, có thể giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0,5% theo quy định của Luật Việc làm. Thứ hai, dành một phần nguồn lực hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động đã tham gia đóng quỹ. Bởi theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính riêng bảo hiểm thất nghiệp nếu giảm mức đóng xuống còn 0,5% thì mỗi năm doanh nghiệp và người lao động có khoảng 10.000 tỷ đồng để dành cho sản xuất, kinh doanh cũng như chăm lo đời sống của người lao động. Về hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị việc cân nhắc cho doanh nghiệp vay từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mức lãi suất 0%.

Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét tạm dừng hoặc miễn đóng đoàn phí công đoàn trước mắt từ nay đến cuối năm 2021 đối với các doanh nghiệp có 15% tổng số lao động trở lên tạm thời nghỉ việc thay vì 50% như quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Từ điểm cầu tỉnh Hà Nam, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó, có những chính sách liên quan trực tiếp đến bảo hiểm xã hội như: giảm mức đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp… từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...

Tuy nhiên, các quy định phải tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động có thể giảm thiểu những chi phí, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Theo báo cáo của Chính phủ, các quỹ có tính chất ngắn hạn, đều có kết dư và bảo đảm việc cân đối. Bà Trần Thị Hiền đề nghị sửa các quy định để hỗ trợ cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp. Theo bà Hiền, các quỹ có tính chất ngắn hạn đều có kết dư và bảo đảm về cân đối, trong đó quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 2 năm tương ứng là 85,5 nghìn tỉ đồng và 90,59 nghìn tỉ đồng. Vì thế, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị sửa đổi quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Ốm đau và thai sản cho người sử dụng lao động và người lao động tương tự như quy định về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại Điều 14, Luật An toàn vệ sinh lao động; nhằm giúp Chính phủ linh hoạt trong quá trình điều hành hoạt động, điều chỉnh mức đóng cho các doanh nghiệp và người lao động, vẫn đảm bảo thực hiện các chế độ bảo đảm cân bằng quỹ. Điều này hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và nâng cao sức cạnh tranh, có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động