Đề thi tham khảo THPT quốc gia: Phân hóa cao nhưng cần thận trọng hơn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐánh giá đề thi tham khảo, phần lớn là những nhận xét tích cực, đảm bảo độ phân hóa cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng một số câu hỏi cần xem lại, kiến thức cũ và mơ hồ, vì thế Bộ GD&ĐT và ban soạn thảo đề thi phải hết sức cẩn trọng với đề thi chính thức vào tháng 6 sắp tới.
Điểm 5 thì dễ, điểm 8 thì khó
Để đảm bảo hai mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp và lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì đề thi phải có tính phân hóa cao. Thực tế là 5 năm gần đây, tính phân hóa của đề thi đã làm khá tốt khi phổ điểm công bố hàng năm chủ yếu ở mức trung bình, điểm giỏi rất ít. Với dạng đề thi trắc nghiệm và tổng hợp theo bài Bộ mới công bố để tham khảo mấy ngày vừa qua, tính phân hóa vẫn được giữ vững.
Ý kiến từ nhiều thầy cô giáo, học sinh và cả các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, để được điểm 5 không khó, nhưng để đạt điểm giỏi lại chẳng hề dễ dàng.
Ở một số môn, nhiều giáo viên nhận định đề tham khảo đợt này có phần “dễ thở” hơn trước đó. Đa phần, các đề thi mẫu nhấn mạnh hơn yêu cầu vận dụng tư duy chứ không đơn thuần học thuộc lòng. Đồng thời, độ phân hóa của đề giữa học sinh trung bình, khá và giỏi cũng thể hiện rõ.
Những môn được đánh giá “dễ thở” hơn một chút là Toán, Hóa và tiếng Anh. Các môn Văn, Địa, Vật lý được cho là hơi dài.
Theo nhận định của thầy Lê Thảo, giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề tham khảo của Bộ lần này là ra đúng cấu trúc của đề thi thật, các câu hỏi xếp phân loại từ mức độ dễ đến khó. Mức độ đề hợp lý với nội dung kiến thức trong sách giáo khoa.
Thầy Trương Minh Đức, giáo viên bộ môn ngữ văn, trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) nhận định: “So với hai đề thi thử trước đó, tôi đánh giá đề môn Ngữ văn lần này là tương đối khó. Câu hỏi phần đọc hiểu không dễ lấy điểm vì giữa các câu hỏi có nhiều mắt xích với nhau, các ý hỏi liên quan với nhau và không rõ ràng để học sinh có thể trả lời chính xác. Các em học sinh ở mức trung bình sẽ dễ lầm lẫn, tưởng câu hỏi dễ trả lời và sẽ xảy ra tình trạng trả lời lệch hướng, chung chung, lặp ý”.
Vẫn còn kiến thức cũ
Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản hồi về sai sót trong đề thi môn Hóa, đặc biệt là đề thi môn Địa lý vẫn còn các câu hỏi quá chung chung và kiến thức cũ, thiếu cập nhật.
Ý kiến của giáo viên cho rằng đề Địa lý có nhiều điểm chưa chuẩn. Nhiều tranh cãi cho rằng QL 1 là QL nào khi hiện nay chỉ có khái niệm QL 1A. Ví dụ: “Tuyến đường giao thông xuyên suốt cả nước trước đây có tên là QL 1 nhưng sau này có hình thành thêm một số QL 1 khác như 1K, 1B… nên người ta đã đổi thành QL 1A. QL 1A là khái niệm chính xác, hiện trong sách giáo khoa lẫn Atlat hiện nay vẫn sử dụng là QL 1A”.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên môn Địa lý trường ĐH Đồng Nai cho rằng đề tham khảo môn Địa lý có nhiều điểm chưa chuẩn trong đó có một số câu sai kiến thức cơ bản, chưa bám sát thực tế và thậm chí nhiều câu đáp án đưa ra không rõ ràng. Đó là câu 55: “Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân số trên 1 triệu người? A. TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng. B. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng. C. Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội. D. Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM.
“Số dân Đà Nẵng năm 2015 đã trên một triệu, Hải Phòng trên 2 triệu, còn Hà Nội và TP HCM thì khỏi phải nói. Vậy đáp án nào đúng? Đã sử dụng số liệu để hỏi học sinh thì số liệu cần bám sát thực tế”, thầy Thuật cho biết.
Theo thông báo từ Bộ GD&ĐT, công tác hoàn thiện đề thi đang được thực hiện đúng tiến độ, với việc sẽ công bố đề và đáp án các bài thi trắc nghiệm (thực tế là nhiều nước không công bố đề thi chuẩn hóa và đáp án) đồng nghĩa với việc số lượng đề thi, câu hỏi thi phải chuẩn bị nhiều hơn. Đề thi chuẩn hóa nghĩa là đã qua giai đoạn thử nghiệm thực tế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng, không để xảy ra bất cứ sai sót nào trong đề thi, nhưng với đề trắc nghiệm, năm nào cũng có ý kiến về việc một câu nào đó trong bộ đề thi còn gây tranh cãi. Vì thế, khâu chuẩn bị đề thi năm nay đòi hỏi phải kỹ lưỡng nhất có thể.
Các trường sử dụng đề thi tham khảo trong ôn tập Sau khi có đề thi tham khảo lần 3, các Sở GD&ĐT trên cả nước đã có hướng dẫn các trường để sử dụng để thi tham khảo trong ôn tập, thay đổi ôn tập cho phù hợp. TP HCM cho học sinh thử làm đề để đánh giá kết quả sơ bộ ban đầu. |
Phan Thủy / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại