Thứ sáu 24/01/2025 06:20

Đi chữa răng, bệnh nhân 62 tuổi nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc tê

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhân D (62 tuổi, trú tại phường Cửa Ông) trong tình trạng tê bì tay chân, tức ngực, khó thở.
Đi chữa răng, bệnh nhân 62 tuổi nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc tê
Ngộ độc thuốc tê là một tai biến trong gây tê, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Ảnh: Duy Linh

Theo gia đình bệnh nhân, trước nhập viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân đau răng và đến khám tại một phòng khám răng hàm mặt tư nhân ở Cửa Ông và được tiêm thuốc tê để chữa răng.

Sau khi tiêm, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê bì tay chân, khó thở, tức ngực. Bác sĩ của phòng khám đã cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê toàn thân và tiến hành cấp cứu theo phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê. Sau khoảng 3 giờ, bệnh nhân đã ổn định và được chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị.

Ngày 30/10/2023, bệnh nhân đã khỏi và được ra viện.

Theo BSCKII Đỗ Ngọc Lâm, Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, trường hợp ngộ độc thuốc tê này rất dễ nhầm với trường hợp sốc phản vệ thuốc do có các biểu hiện lâm sàng ban đầu tương đối giống nhau. Các bác sĩ trực đã chẩn đoán chính xác và khẩn trương cấp cứu đúng phác đồ ngộ độc thuốc tê nên tình trạng của bệnh nhân nhanh chóng được cải thiện. Ngộ độc thuốc tê là trường hợp ít gặp nhưng nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ, ngộ độc thuốc tê là một tai biến trong gây tê, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nguyên nhân có thể do quá liều thuốc tê, tiêm thuốc tê vào mạch máu, dùng liều lặp lại, hoặc cơ địa dễ bị ngộ độc thuốc tê như người cao tuổi, suy kiệt, suy gan thận.

Các biểu hiện lâm sàng của ngộ độc thuốc tê có thể bao gồm chóng mặt, tê môi, choáng váng, kích động, lơ mơ, co giật, trụy tim mạch.

Phản vệ thuốc tê là phản ứng có hại nhưng hiếm khi xảy ra. Biểu hiện của phản vệ thuốc tê có thể bao gồm nổi mẩn ngứa, mề đay, phù Quincke, sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp.

Khi cần phải sử dụng thuốc tê, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng của mình. Người dân cũng nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín có đầy đủ nhân lực, trang thiết bị thuốc cấp cứu phù hợp khi quyết định thực hiện bất cứ can thiệp sức khoẻ nào.

Người phụ nữ sốc phản vệ sau khi tự ý uống thuốc chữa đau bụng
Một du khách nguy kịch sau khi uống thuốc giảm đau
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động