Thứ sáu 24/01/2025 00:32

Doanh nghiệp FDI vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đại dịch Covid -19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, trước nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đều ghi nhận và đánh giá cao các chính sách, giải pháp thời gian qua và luôn tin tưởng, tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam

Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam

Nguồn vốn tiếp tục tăng lên

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nguồn vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng của Việt Nam vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 22,15 tỷ USD.

Đánh giá về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, với các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhiều DN FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. Kết quả này thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với lợi thế nổi trội của Việt nam trong môi trường đầu tư ổn định, an toàn với nhiều tiềm năng.

Theo các báo cáo toàn cầu, các điều kiện nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh, vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây được củng cố thông qua một loạt hiệp định tự do thương mại. Tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% trong năm 2022 với một triển vọng đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu về dài và dòng vốn FDI sẽ còn tăng mạnh.

Ông Tim Evans, Tổng GĐ HSBC Việt Nam cho biết: Việt Nam thành công là nhờ xuất khẩu trong các lĩnh vực như dệt may da giày, công nghệ, thiết bị… Do vậy, Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng vững chắc trong mắt xích chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Những diễn biến mới nhất khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới" càng khẳng định những khó khăn này chỉ là nhất thời, Việt Nam tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Ông Choi Joo Ho, Tổng GĐ Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Đặc biệt, thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Samsung Việt Nam vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, và nếu nhà máy tại TP Hồ Chí Minh sớm hoạt động trở lại, công ty sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.

Chính phủ luôn lắng nghe để tháo gỡ những khó khăn

Trong tháng 9, Thủ tướng Chính phủ, Phạm Minh Chính đã chủ trì 3 cuộc gặp với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn lớn để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn bởi dịch bệnh. Một thông điệp xuyên suốt, nhất quán mà Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần đó là khi đối thoại với các DN phải đảm bảo: Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ.

Hãng truyền thông DW của Đức dẫn nguồn một cuộc khảo sát riêng của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng: Không có bất kỳ cuộc dịch chuyển nào của các Cty nước ngoài khỏi Việt Nam. Ông Alexander Goetz, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho hay: Chúng tôi hy vọng sẽ có một kế hoạch rõ ràng và thống nhất để chúng tôi có thể xây dựng kế hoạch cụ thể, tiếp cận các nhà cung ứng đầu vào, dịch vụ logistics, từ đó trở lại trạng thái sản xuất và kinh doanh bình thường.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Dịch chuyển sản xuất hay dịch chuyển đầu tư đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhãn hàng lớn thì không đơn giản. Việc đặt cơ sở sản xuất tại quốc gia nào cũng cần phải có đánh giá thấu đáo về môi trường kinh tế, môi trường chính trị, cũng như là những chính sách hỗ trợ của ngành... Những thống kê gần đây về dòng vốn FDI tại Việt Nam cho thấy rằng họ sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết: Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh. Vừa qua, các DN đã phải ngừng sản xuất trong tháng 8 - 9 để phòng chống dịch. Việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng cuối năm nên buộc các nhãn hàng, không chỉ Nike mà các nhãn hàng khác đã phải chuyển đơn hàng, còn các nhà máy sản xuất tại Việt Nam họ vẫn đang tiếp tục duy trì.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, nguồn vốn FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động