Thứ sáu 24/01/2025 00:38

Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 16-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tiếp tục với Phiên họp “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Phiên họp có đồng chí Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Trung ương; Chủ tịch các Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam với các nước, cán bộ lão thành Bộ Ngoại giao, các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng hơn 300 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Hội nghị Ngoại giao 30 đã tổ chức phiên họp chủ đề “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” để trao đổi về hoạt động đối ngoại Quốc hội, khẳng định vai trò của đối ngoại quốc hội trong nền ngoại giao Việt Nam và những đóng góp tích cực, hiệu quả của đối ngoại Quốc hội trong sự nghiệp chung của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội biểu dương những đóng góp của ngành ngoại giao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhấn mạnh ngành ngoại giao đã quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, kiên trì về nguyên tắc, kiên định về mục tiêu, chủ động và linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện Việt Nam có quan hệ song phương ở kênh đối ngoại quốc hội với 140 nước. Công tác đối ngoại quốc hội vừa thực hiện mục tiêu tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân ta với Quốc hội và nhân dân các nước, với các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới, vừa thể hiện những quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội với nhiệm vụ là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác nghị viện mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ, văn hóa và giáo dục, giao lưu nhân dân…

Đồng thời, đối ngoại Quốc hội còn đảm nhiệm vai trò tiên phong, mở đường để phát triển quan hệ cũng như tham gia xử lý các vấn đề có vướng mắc. Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đối ngoại Quốc hội góp phần giúp nghị sĩ, nghị viện các nước hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, lập trường, quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Trên các diễn đàn nghị viện đa phương, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động trong các diễn đàn nghị viện đa phương trong khu vực và trên thế giới, thể hiện hình ảnh là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đối ngoại Quốc hội đã nâng tầm từ tham gia sang chủ động đề xuất sáng kiến theo hướng thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế, bảo đảm cục diện khu vực định hình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thời gian qua Quốc hộ đã tích cực đề xuất và tạo dấu ấn trong nhiều chương trình nghị sự thiết thực tại các diễn đàn nghị viện.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về Ứng phó biến đổi khí hậu và Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 26.

Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Thực hiện vai trò lập pháp, Quốc hội đã xem xét thông qua, sửa đổi các đạo luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, Quốc hội đã thông qua gần 50 văn bản luật và nghị quyết, trong đó có nhiều luật và nghị quyết có các nội dung về đối ngoại như Luật Điều ước quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…

Với vai trò giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội thường xuyên tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như các hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhằm kịp thời phát hiện vướng mắc để có giải pháp kịp thời, bảo đảm hoạt động đối ngoại được chủ động và thuận lợi.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện Quốc hội đã thành lập 57 Nhóm nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị với nghị sĩ Quốc hội các nước. Thông qua hoạt động của các nhóm nghị sĩ hữu nghị, quan hệ đối ngoại của Quốc hội đã đi vào chiều sâu, phát huy được lợi thế vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính “nhân dân” sâu sắc, đóng góp vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị công tác đối ngoại, bao gồm cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại Quốc hội cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm là xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của đối ngoại trong tổng thể đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy lợi thế của ngoại giao nghị viện;

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường tham mưu, giám sát và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong hội nhập quốc tế; tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại, đặc biệt là giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân, hình thành thế hệ mới bạn bè, đối tác quan tâm và gắn kết với Việt Nam;

Nâng tầm đối ngoại đa phương, đặc biệt trong phối hợp vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thực hiện tốt vai trò trong Liên minh Nghị viện thế giới, Hội đồng liên nghị viện ASEAN…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Bộ Ngoại giao cần phối hợp tốt việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, thúc đẩy và giám sát triển khai thực thi các thỏa thuận quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, mở rộng và nâng tầm hoạt động của các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại Quốc hội nói riêng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt toàn thể Hội nghị đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết Hội nghị nhận thức sâu sắc hơn về đối ngoại Quốc hội và mối quan hệ giữa đối ngoại Quốc hội với các kênh đối ngoại khác. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu rõ các cán bộ ngoại giao sẽ quán triệt những nhiệm vụ mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra, cụ thể hóa trong chương trình hành động của Hội nghị.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với với các bộ phận làm đối ngoại quốc hội để phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, góp phần triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XII.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động