Thứ năm 23/01/2025 14:02

Đột quỵ não - Nâng cao nhận thức để cứu sống người bệnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, số ca đột quỵ tiếp nhận mỗi ngày tăng lên 50 - 55 ca, trong đó có khoảng 8% là người trẻ.
Đột quỵ não - Nâng cao nhận thức để cứu sống người bệnh
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho người bệnh. Ảnh: BV

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân đến viện sớm trong "giờ vàng" chỉ đạt khoảng 20%, so với thế giới là con số rất thấp.

Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức để người bệnh đến viện sớm trong “giờ vàng” là vô cùng quan trọng. Dưới đây là khuyến cáo PGS.TS Mai Duy Tôn về 6 điều cần làm và 3 điều không nên làm đối với người bệnh nghi ngờ đột quỵ…

6 điều cần làm đối với người nghi ngờ đột quỵ

Gọi 115 ngay lập tức: đây là lựa chọn thông minh nhất bởi xe cứu thương 115 sẽ đưa người bệnh đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Bên cạnh đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tỉnh huống khẩn cấp, có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.

Thông báo cho nhân viên cấp cứu 115 rằng bạn nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ não: nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.

Theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh: ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử...

Khuyến khích người bệnh nằm xuống: nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.

Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR): trường hợp người bệnh bất tỉnh trong cơn đột quỵ não, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của họ, xem họ có còn thở không. Nếu không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi.

Giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ cứu thương.

3 điều cần tránh đối với người nghi ngờ đột quỵ

Không cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào, kể cả aspirin. Bởi, cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não. Vì vậy, khi không biết người bệnh bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào.

Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi.

Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.

PGS.TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh: càng đến viện sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao, di chứng để càng ít. "Thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối hoặc 6 - 8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học.

Vì vậy, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, cần đưa người bệnh vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.

Phục hồi sau đột quỵ não: những điều cần biết
Cấp cứu thành công nữ sinh 18 tuổi bị đột quỵ não hiếm gặp
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động