Thứ sáu 24/01/2025 00:03

Gần 1.000 sinh viên kí cam kết “nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”   

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trên thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong giới trẻ. Ở Mỹ tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019; 2/3 số người hút thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên. Tại Việt Nam, tính đến năm 2019, có khoảng 2,6% thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 13-17 đang sử dụng thuốc lá điện tử.

Thông tin trên được PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết tại lễ phát động Chiến dịch“Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” diễn ra sáng 26-12. Đây là sự kiện do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phối hợp với Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổ chức Y tế toàn cầu Vital Strategies tổ chức.

Theo đó, TS. Lương Ngọc Khuê nhận định, thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đều chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người xung quanh.

Trước tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ ngày càng tăng cao, các tập đoàn thuốc lá đang thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng-đặc biệt nhằm vào thanh thiếu niên, chiến dịch được phát động nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về tác hại của thuốc lá; phát huy vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong công cuộc tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng lối sống lành mạnh cùng môi trường không khói thuốc trong thanh niên Việt Nam.

Đồng thời, sự kiện còn là hoạt động thức tỉnh thế hệ trẻ về những tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đối với người dân Việt Nam, qua đó kêu gọi các bạn trẻ thực hiện cam kết không sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử.

Chia sẻ với 1.000 sinh viên của Học viện Báo chí tuyên truyền tham gia lễ phát động, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh bày tỏ: Trong cuộc sống chúng ta chứng kiến những người bị ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ… nhiều người trong số đó có liên quan đến sử dụng thuốc lá, thuốc lào. Với những người mắc bệnh này, nếu nặng thì tử vong, nếu cứu sống được thì để lại di chứng nặng nề, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

gan 1000 sinh vien ki cam ket noi khong voi thuoc la va thuoc la dien tu
Gần 1.000 sinh viên tham gia lễ phát động đã hưởng ứng chiến dịch (Ảnh : T.A)

Đối với thuốc lá điện tử, đây không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu.

Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin/Glycerin gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.

Bên cạnh đó, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu được xem là các chất độc và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử thì cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc mà ngược lại bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, thậm chí nhiều người có thể sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu.

gan 1000 sinh vien ki cam ket noi khong voi thuoc la va thuoc la dien tu
Và thực hiện ký cam kết online (Ảnh : T.A)

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên lứa tuổi 13-15 ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng song song so với sử dụng thuốc lá điếu, trong đó Guam 34,6%, Ba Lan 23,4%, Ucraina 18,4%, Lào 4,3% và Campuchia 2,3%.

Tính đến tháng 2-2020, có 41 quốc gia đã ra lệnh cấm buôn bán thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á như Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Sing-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bru-nây,...

Trong tháng 5-2020, có tới 100 quốc gia đã ban hành luật nội địa quy định đối với thuốc lá điện tử, trong đó có các quy định về độ tuổi tối thiểu được phép mua bán thuốc lá; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, đóng gói bao bì, các quy định về sản phẩm, phân loại thuốc lá điện tử,…

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% vào năm 2019 và có xu hướng ngày càng gia tăng. Thông qua Lễ phát động, Trung ương Đoàn và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá mong muốn kêu gọi đoàn viên, thanh niên cả nước cùng hưởng ứng chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”.

Ngay trong buổi lễ phát động, gần 1.000 sinh viên đã cùng kí cam kết online “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động