Thứ năm 23/01/2025 20:13

Gần 500 bác sỹ thực hiện ca ghép phổi và hành trình 10 tháng phục hồi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
10 tháng sau khi được thực hiện ca ghép phổi, chàng trai Nguyễn Văn Đức, 18 tuổi được xuất viện. Ca phẫu thuật đối với các thầy thuốc, điều dưỡng của BV Hữu nghị Việt Đức thật đặc biệt bởi suốt quãng thời gian ấy là quá trình chăm sóc đặc biệt dành cho Đức với nhiều cung bậc hiếm gặp trong y văn thế giới.

Ngày 18-10, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, BV Hữu nghị Việt Đức tổ chức chúc mừng bệnh nhân Nguyễn Văn Đức ở Thanh Miện, Hải Dương sau mổ ghép phổi ra viện.

Chia sẻ về ca phẫu thuật, PGS-TS. Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh nhân trải qua ca đại phẫu thuật đó là ghép phổi từ người chết não vào ngày 12-12-2018. Tình thế của bệnh nhân lúc đó đã quá nguy kịch: 5 năm chống chọi với căn bệnh mô bào, thời điểm trước mổ của cậu bé được bác sĩ tiên lượng chỉ còn sống bằng giây, bằng phút bởi phổi đã bị hỏng toàn bộ. Không còn bất cứ 1 giải pháp nào khác, cậu bé chỉ có cơ hội sống duy nhất đó là ghép phổi mà ê kíp là 100% các bác sĩ Việt Nam chưa từng làm trước đó.

“Có thể khẳng định, đây là một phép màu với Đức bởi có những trường hợp chờ ghép phổi cả năm trời, nhưng không có người cho và phải chấp nhận chết. Hoặc lúc có người cho thì người cần ghép lại được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp, dẫn đến không thực hiện được. Ca bệnh của Đức là một sự thử thách đối với bệnh nhân và ê kíp bác sĩ gần 500 người. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với “tử thần” để giành lại sự sống cho cháu. Bởi trước khi mổ tình trạng của cháu khá là nguy kịch”, PGS. Nguyễn Hữu Ước chia sẻ.

gan 500 bac sy thuc hien ca ghep phoi va hanh trinh 10 thang phuc hoi
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đức được các thầy thuốc BV hữu nghị Việt Đức chúc mừng nhân ngày xuất viện (Ảnh: BVCC)

Trường hợp cháu Đức là một ca bệnh đầy khó khăn. Trước hết kỹ thuật ghép phổi là kỹ thuật mới, phức tạp. Đây là ca ghép phổi đầu tiên không có yếu tố nước ngoài. Tình trạng bệnh trước ghép quá nặng, nằm viện lâu ngày yếu tố nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, thể trạng bệnh nhân siêu suy kiệt (chỉ số BMI=14, bình thường chỉ số này là = 18.5 đến 24.9), với mức suy kiệt này mổ ruột thừa tiên lượng còn nặng chứ không thể nói đến một đại phẫu lớn là ghép 2 phổi.

Cùng đó việc ghép từ người cho tạng chết não (phổi hoàn toàn bị động) không có sự chuẩn bị chu đáo như ghép từ người cho sống (có kế hoạch).

Bệnh nhân đã trải qua nhiều khoảng thời gian "chết đi sống lại", không những là các liệu pháp điều trị mà vấn đề chăm sóc cũng khó khăn: Ăn uống không hấp thụ được, cơ thể suy mòn trước khi ghép, cơ teo da bọc xương, vận động khó khăn chưa nói đến sau ghép phổi phải có sức để thở.

Vì vậy, 10 tháng sau ca ghép là những chuỗi ngày các thầy thuốc cố gắng hết sức: Cân não, hầu hết các phương pháp điều trị tích cực hiện đại nhất của hồi sức đều can thiệp như ECMO, siêu lọc... bệnh nhân đều trải qua do thể trạng quá suy kiệt.

TS. Nguyễn Hữu Ước cho rằng, vượt lên tất cả dẫn đến thành công là sự quyết tâm gia đình, sự cố gắng không mệt mỏi của các thầy thuốc, các anh chị điều dưỡng chăm sóc, nhiều đêm thức trắng, canh cánh bên Đức 24/24 giờ. Cùng đó, gia đình Đức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh viện đã nỗ lực và vận động nhiều nguồn tài trợ thuốc cho em.

Đây là trường hợp ghép phổi trải qua những cung bậc hiếm gặp trong y văn thế giới. Thành công vượt bật sau 10 tháng khẳng định, sự cố gắng cả lẫn y nghiệp và y đức của đội ngũ chuyên gia

Trong buổi ngày ra viện của con trai, bố và mẹ Nguyễn Văn Đức xúc động chia sẻ sự hiện diện của em ngày hôm nay là một điều kỳ diệu. Bố của Đức đã gửi lời cảm ơn tới y bác sĩ đã đưa em từ “cõi chết” trở về, tận tâm cứu chữa, chăm sóc cho em; cảm ơn những nhà hảo tâm đã ủng hộ để em được ghép phổi và điều sau phẫu thuật.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động