Thứ sáu 24/01/2025 12:11

Gắn biển "cách ly y tế" với F1 cách ly tại nhà có tạo tâm lý kỳ thị?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đối với trường hợp F1 thì trước cửa nhà phải treo biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng với nội dung: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”. Có một số ý kiến cho rằng gắn biển như vậy sẽ tạo sự kỳ thị của cộng đồng đối với trường hợp thực hiện cách ly.

Tuy nhiên, theo PGS-TS. Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế: Việc gắn biến như vậy không có sự kỳ thị mà là cảnh báo. Khi ta sử dụng Bluezone thì cũng thế. Nó cũng như cảnh báo điện giật, khu cách ly, trơn trượt… để mọi người có ý thức phòng tránh.

PGS-TS. Nguyễn Huy Nga đánh giá, thực hiện cách ly tại nhà là rất hợp lý khi dịch bùng phát có nhiều F0 dẫn đến có nhiều F1. Việc này đáng lẽ phải làm sớm hơn. Lợi ích của cách ly tại nhà với F1 là tránh tập trung đông F1 vào một chỗ gây lây lan nội bộ khi có F1 chuyển sang F0; Tiết kiệm ngân sách, nhân lực, địa điểm cho nhà nước; Thuận lợi cho mọi người về ăn uống, sinh hoạt, đặc biệt là trẻ em, người già, người có bệnh nền; Tiết kiệm chi tiêu cho gia đình và bản thân F1; Tránh được sự ức chế, suy sụp tinh thần, suy nghĩ tiêu cực của F1 và cộng đồng;

Đồng thời cách ly tại nhà giúp nâng cao tính tự chủ, tự lo cho sức khỏe của mình và của gia đình của F1; Góp phần tạo ổn định xã hội. Bên cạnh đó, khi cách ly tại nhà F1 vẫn tiếp tục làm việc đóng góp lao động cho xã hội và cho cuộc sống của cá nhân, gia đình qua online, viết tài liệu, giảng dạy, sáng tác…

Gắn biển
PGS-TS. Nguyễn Huy Nga cho rằng việc gắn biển có ý nghĩa cảnh báo để tránh tiếp xúc với người thực hiện cách ly (ảnh tư liệu)

Liên quan đến một số điều kiện đáp ứng yêu cầu cách ly tại nhà được nêu tại Hướng dẫn của Bộ Y tế như phải có nhà ở riêng biệt, có phòng riêng khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt gia đình, một số ý kiến cho rằng những tiêu chuẩn này “khắt khe”, PGS-TS. Nguyễn Thị Liên Hương-Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) lý giải: Trước đó tại Công văn số 897/BYT-MT ngày 7-2-2021 của Bộ Y tế đã quy định điều kiện cách ly đối với trẻ em. Điều kiện để F1 được cách ly tại nhà theo hướng dẫn mới ban hành tương tự với quy định ở công văn này.

Qua một thời gian thực hiện điều kiện cách ly đối với trẻ em cho thấy các điều kiện này khả thi, không có lây nhiễm và hiện cũng chưa có địa phương nào phản ánh về khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, biến chủng virus mới hiện nay lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình là rất lớn. Vì vậy, nhà ở cách ly phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong quá trình cách ly.

Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, sau khi thí điểm, Bộ Y tế và UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tổng kết những điểm vướng mắc, thiếu sót, chưa phù hợp thực tế để sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn và áp dụng chính thức. Sau đó, Bộ Y tế sẽ đánh giá lại tính khả thi của việc cách ly F1 tại nhà, đồng thời sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng Hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 và thí điểm áp dụng tại TP Hồ Chí Minh. Kèm theo đó là các điều kiện thực hiện cách ly y tế tại nhà như phải có phòng riêng, bố trí suất ăn riêng, không tiếp xúc với người thân…; F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Gắn biển
Biển thông báo cách ly y tế trước cửa của một gia đình có người thực hiện cách ly (ảnh TL)

PGS-TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng: Việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly. Khi các khu vực các ly tập trung quá tải, việc cách ly tại nhà sẽ là giải pháp để giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung.

Đồng thời cách ly tại nhà giúp cho người cách ly giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khu cách ly tập trung bị quá tải và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người được cách ly.

Mặc dù vậy, bên cạnh đó cũng có một số khó khăn. Hiện nay đã xuất hiện biến chủng virus mới, có cả các đặc tính biến chủng Ấn Độ và Anh có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch thì sẽ làm lây lan cho người ở cùng và lây lan ra cộng đồng.

Mặt khác, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp là F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn nên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo không lây lan ra cộng đồng.

Đặc biệt là ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động