Gia tăng ca mắc Covid-19, Hà Nội điều chỉnh biện pháp phòng dịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Khổng Minh Tuấn, Phó GĐ CDC Hà Nội: Người dân nên tự theo dõi sức khỏe khi có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh thông báo cho cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm (ảnh P.C). |
Số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng
Trao đổi với PV PL&XH, ông Khổng Minh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết: Sau 20-10, từ khi Hà Nội mở cửa trở lại thì số lượng bệnh nhân có sự gia tăng liên tục. Trong vòng 7 ngày qua trung bình 165 bệnh nhân/ngày. Dự báo trong 1-2 tuần tới số ca bệnh có thể tăng tiếp. Đương nhiên khi số bệnh nhân gia tăng thì số ca nhập viện sẽ gia tăng. Trước diễn biến nguy cơ còn tiếp tục gia tăng ca bệnh Covid-19, F0 tăng sẽ dẫn đến F1 tăng lên. TP đã ban hành Công điện 23 thể hiện rất rõ tính linh hoạt, chủ động trong công tác phòng chống dịch. Chúng ta sẵn sàng các điều kiện đáp ứng khi số lượng bệnh nhân cũng như F1,2 tăng lên.
Về chuyên môn hiện nay chúng ta vẫn kiên định theo nội dung phòng dịch trước đây, vẫn thần tốc truy vết, thần tốc xét nghiệm, khoanh vùng cách ly dập dịch. Hiện nay khoanh vùng nhỏ nhất, hẹp nhất có thể nhưng an toàn hơn. Thứ 2 là điều trị chuyển hướng điều trị tại cơ sở chứ không phải tất cả đưa vào BV. Đây là 2 điểm mới trong chiến lược của Hà Nội hiện nay. Cụ thể, hiện nay TP cho phép điều trị F0 tại cơ sở, tại y tế xã, phường là trên nền tảng trạm y tế lưu động cũng như nền tảng trạm y tế xã, phường. Việc điều trị F0 tại cơ sở sẽ giảm số bệnh nhân vào BV điều trị, chỉ bệnh nhân có mức độ trung bình hoặc nặng mới phải vào cơ sở điều trị, còn số bệnh nhân nhẹ không triệu chứng được điều trị tại y tế cơ sở (trạm y tế, trạm y tế lưu động, phòng khám khu vực).
Trước mắt TP triển khai thí điểm ở tại 5 quận huyện gồm: Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên; Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức; Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì; trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức. Đây là hoạt động mới nên chúng ta phải triển khai trước để rút kinh nghiệm khi điều trị F0 tại cơ sở.
Theo Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, khi triển khai rộng việc điều trị F0 tại cơ sở y tế toàn TP có 500-600 trạm y tế lưu động đã được thành lập. Với những trạm y tế lưu động có quy mô lớn 150-200 giường sẽ phải bố trí ở hội trường, nhà thi đấu, nhà văn hóa. Khi bố trí những điểm như vậy phải kèm theo tất cả hạ tầng, cơ sở khác như công trình vệ sinh, khu bố trí giường bệnh, khu hành chính, nhân viên y tế, khu xử lý rác thải… tất cả giống như BV thu nhỏ nhưng mức đầu tư thấp nhất, vẫn đầy đủ điều kiện chăm sóc người bệnh từ trang thiết bị đến thuốc men, nhân viên y tế cũng như các điều kiện khác. Hiện số bệnh nhân tại Hà Nội đang điều trị khoảng 2.000 trường hợp mà lại phân đều ra các quận huyện nên rất thấp. Tuy nhiên, để chủ động TP đã xây dựng phương án 100 nghìn bệnh nhân. Lúc đó sẽ triển khai điều trị F0 tại y tế cơ sở rộng ra toàn 30 quận, huyện; 500-600 trạm y tế sẽ phải hoạt động.
Người dân nên hạn chế đến sự kiện đông người
Về giải pháp kiểm soát dịch trên địa bàn trong thời gian tới, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh: Vấn đề tuyên truyền phải đẩy mạnh hơn vì đã xuất hiện tâm lý chủ quan khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Sau 1 thời gian giãn cách có sự giao lưu liên hoan tham gia sự kiện. “Dù chúng ta nới lỏng không thực hiện giãn cách nữa nhưng mọi người cũng nên hạn chế đến những sự kiện đông người nếu không cần thiết. Kể cả chúng ta vào siêu thị hay đến nơi công cộng cũng nên hạn chế tối đa về thời gian, tần suất. Khi vào siêu thị mua đồ dùng gia dụng, thực phẩm cũng nên tranh thủ thời gian ngắn, đảm bảo khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn khi đến nơi đông người”, ông Tuấn khuyến cáo.
Hiện nay sự đi lại của người dân bình thường hóa trở lại chúng ta cũng nêu cao tinh thần cảnh giác. Phải xác định các trường hợp khi tham dự sự kiện hoặc các trường hợp ngoại tỉnh chúng ta phải lưu tâm. Mặc dù hiện nay Hà Nội đã có nguy cơ lẩn khuất mầm bệnh trong cộng đồng nhưng vẫn có 50% là nguồn từ các tỉnh về nên chúng ta phải hết sức lưu tâm khi tiếp xúc đi công tác, tiếp xúc tại các sự kiện đông người. Đồng thời, mọi người nên tự theo dõi sức khỏe khi có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh kèm theo khai báo y tế cần thông báo cho cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm nhất, tránh trường hợp khi đã nhiễm đến giai đoạn muộn thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Thực hiện tốt việc quét mã QR Code để hỗ trợ truy vết nhanh nhất…
Các đơn vị, cơ sở nhà máy, khu công nghiệp phải xét nghiệm định kỳ; BV khi bệnh nhân đến khám phải phân luồng khám sàng lọc, xét nghiệm nhân viên, bệnh nhân nội trú, người nhà; cơ sở kinh doanh vận tải, siêu thị, khu vui chơi giải trí phải xét nghiệm sàng lọc qua đó phát hiện sớm nhất những trường hợp đã dương tính trong cộng đồng dù không có triệu chứng.
Liên quan đến cách ly các trường hợp F1, theo GĐ Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước đây các trường hợp F1 cách ly tập trung, nhưng hiện nay công tác cách ly F1 sẽ linh hoạt hơn cho phù hợp tình hình thực tế. Sở Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn về cách ly tại nhà, hướng dẫn chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, y tế cơ sở kiểm tra, rà soát. Theo đó, sẽ tổ chức cách ly F1 tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tập trung. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại