Giáo dục vùng khó: Bình tĩnh, kiên trì có hướng đi phù hợp để thực hiện chương trình mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiáo dục vùng khó khăn cần kiên trì
Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1 từ năm học 2020-2021, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành chọn sách giáo khoa lớp 1, hiện nay Sở GD&ĐT đang phối hợp với các nhà xuất bản tập huấn sách cho toàn bộ cán bộ quản lý các trường tiểu học và giáo viên dạy lớp 1. Tài liệu giáo dục địa phương cũng đang được hoàn thiện.
Theo thống kê của Sở GDĐT, tỉnh Tuyên Quang hiện có 4.147 giáo viên tiểu học, đạt tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp; để đảm bảo tỷ lệ giáo viên dạy 2 buổi/ngày, Tuyên Quang còn thiếu 887 giáo viên. Trước mắt, năm học 2020-2021, tỉnh Tuyên Quang sẽ bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, khi triển khai đến lớp 3 sẽ thiếu khoảng 1.300 giáo viên.
Tương tự, về cơ sở vật chất trường lớp học cũng đảm bảo đầy đủ cho lớp 1, nhưng nếu triển khai đến lớp 3 dự kiến tỉnh Tuyên Quang sẽ cần bổ sung thêm 507 phòng học để thay thế phòng học tạm mượn, phòng học xuống cấp và còn thiếu.
Trước thực tế còn nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tỉnh Tuyên Quang cần bình tĩnh và quyết tâm để có lộ trình giải quyết. Trong đó giải pháp căn cơ là xây dựng được 3 đề án quan trọng: Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo, đề án đầu tư cơ sở vật chất và đề án phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn 5 năm tới.
“Có xây dựng được các đề án này một cách bài bản thì qua từng năm mới khắc phục được tình trạng thừa - thiếu giáo viên, khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp. Bên cạnh đó, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của tỉnh Tuyên Quang cho sự nghiệp giáo dục, cũng như sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chăm lo tốt về giáo dục sẽ là giải pháp căn cốt để xóa đói giảm nghèo. Làm giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng khó khăn cần kiên trì, nhìn nhận đúng thực tế để có bước đi phù hợp”.
Trước mắt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Tuyên Quang cần sớm hoàn thành tập huấn sách giáo khoa cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1; phối hợp với các nhà xuất bản để cung ứng sách kịp thời và đầy đủ trước năm học mới; sớm hoàn thành việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị tối đa cơ sở vật chất, phòng lớp học đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày cho lớp 1. “Lớp 1 là mở đầu, nếu triển khai tốt, các lớp tiếp theo sẽ rất thuận lợi”, Bộ trưởng khẳng định.
Các địa phương vùng khó phải kiên trì, có hướng phát triển phù hợp với tình hình địa phương thì mới đem lại hiệu quả thực sự khi đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình mới. Ảnh: T.F |
Đầu tư đường dài
Đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị về đội ngũ, sách và tập huấn giáo viên lớp 1 để chuẩn bị cho chương trình mới. Các địa phương vùng khó chắc chắn còn gặp hạn chế về cơ sở vật chất, giáo viên, nhưng đều đang nỗ lực thực hiện tinh thần đổi mới, trước hết là chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên lớp 1, đảm bảo tất cả các giáo viên đứng lớp đã được tập huấn chương trình mới, sách mới, cải tạo cơ sở vật chất trường học. Đồng thời, các địa phương cũng đặt dôi dư một số lượng sách giáo khoa mới, đảm bảo không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách cho năm học mới.
Tại Lai Châu, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020 - 2021 trên địa bàn. Việc cung ứng sách giáo khoa phải bảo đảm đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15-8; Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có bộ sách giáo khoa mới.
Bên cạnh huy động các nguồn lực mua sắm sách giáo khoa, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Lai Châu: Sở đã tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về Chương trình GDPT mới về nội dung cơ bản cũng như điểm khác biệt của Chương trình GDPT mới so với Chương trình GDPT hiện hành.
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nhà nước không thể nào bao cấp được hết, chỉ nên đầu tư cho những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, còn lại cần theo hướng xã hội hóa thì mới có thể giải được bài toán thiếu trường, lớp lâu nay. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Từ chương trình chuyển thành SGK, thành hành động của giáo viên, cán bộ quản lý, chính quyền là con đường rất dài và nhiều trắc trở.
Không có nghĩa cứ có chương trình tốt thì mọi việc sẽ tốt. Nhưng nếu tất cả cán bộ, giáo viên hiểu mục tiêu đổi mới, có động lực thì chương trình sẽ thực hiện được. Đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình GDPT là con đường dài với nhiều lộ trình cụ thể, vì thế, các địa phương vùng khó đặc biệt phải kiên trì, có hướng phát triển phù hợp với tình hình địa phương thì mới đem lại hiệu quả thực sự.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại