Thứ năm 23/01/2025 20:31

Hà Nội: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố Hà Nội đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt...
Hà Nội: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khoá XVI

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, ngay từ đầu năm, UBND TP đã đã ban hành, tổ chức thực hiện Chương trình hành động (với 170 nhiệm vụ) và phân công cụ thể tới các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện gắn với tiếp tục triển khai 282 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025…

UBND TP quán triệt thực hiện có hiệu quả Chủ đề công tác năm 2022: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. UBND TP tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước gắn với phương châm “bảo đảm việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện” và “kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo địa bàn, bảo đảm một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý”...

Cùng đó, TP đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm, TP đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid19. Đến nay, 99,9% người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2; mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.

Đồng thời, TP tiếp tục quan tâm và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cấp, các ngành của TP đã thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với gần 42.000 doanh nghiệp; giảm 2% VAT phân theo ngành kinh tế với số tiền 2.245 tỷ đồng; Hỗ trợ giảm trên 1.700 tỷ đồng lệ phí trước bạ (đạt 96% kế hoạch);

Bên cạnh đó, TP cũng đã kịp thời triển khai các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, đã hỗ trợ cho trên 5,69 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí là gần 7.300 tỷ đồng; Đã thực hiện hỗ trợ cho trên 5,66 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 7.200 tỷ đồng.

BHXH đã chi trả cho trên 3,2 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 4.900 tỷ đồng; Xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để tạo việc làm cho gần 29.500 lao động với số tiền gần 1.400 tỷ đồng. Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn TP năm học 2021-2022 do ảnh hưởng Covid-19 với tổng kinh phí là gần 900 tỷ đồng.

GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79% (trong đó riêng quý 2 tăng là 9,49%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid19.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% và gấp gần 4 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (4,5%). Hoạt động bán lẻ, vận tải, du lịch phục hồi mạnh; Tổng mức bán lẻ tăng 16,5% - gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (7,2%).

Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ năm 2021 giảm 86,2%); khách trong nước đạt 665 nghìn lượt, tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%). Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 180,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% (cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 8,4%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25%.

Cân đối thu-chi ngân sách được đảm bảo; Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 179.476 tỷ đồng, đạt 57,6% dự toán và tăng 22% so với cùng kỳ (cao hơn so với số đã dự kiến trong báo cáo trình HĐND là đạt 56,8% dự toán).

Các hoạt động văn hóa, lễ hội tiếp tục được tuyên truyền và triển khai có hiệu quả, đặc biệt công tác tổ chức SEA Games 31 của TP Hà Nội đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Trung ương giao, bảo đảm các mốc tiến độ, góp phần tổ chức thành công SEA Games 31; được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, tiếp tục khẳng định hình ảnh và uy tín của Việt Nam. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển. Trong kì thi chọn Học sinh giỏi quốc gia năm 2022, Hà Nội là đơn vị đứng đầu về số lượng đạt giải với 125 giải.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ với nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt (như Quy hoạch chung Không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch Các bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;...); Ban hành danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP …

Cải cách hành chính được nâng cao, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hà Nội có sự cải thiện nhanh (tăng 39 bậc so với năm trước); Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) tăng 3 bậc…

Hà Nội: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội ngày 5/7 (ảnh T.H)

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế như CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,25%-cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 0,97%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%, trong đó nhóm hàng giao thông tăng cao nhất (16,07%); ngành công nghiệp-xây dựng tăng thấp hơn cùng kỳ do các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài; giá các loại vật liệu xây dựng có sự biến động lớn…

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, TP xác định tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) của Chính phủ; theo tiến độ cấp vắc-xin của Bộ Y tế, hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi trước tháng 9/2022; bảo đảm các hoạt động kinh tế xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19…

Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND TP gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; trong đó trọng tâm là tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành trên mọi lĩnh vực gắn với xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của TP.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP, đồng bộ, thống nhất với hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá theo từng ngành, từng lĩnh vực.

Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô để trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu. Phát huy cao nhất hiệu quả của 6 Tổ công tác của TP về giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư...

Phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh. Giám sát các cơ sở y dược tư nhân và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm… Thực hiện Kế hoạch mục tiêu giảm nghèo bền vững TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Hoàn thành chỉ tiêu giảm 723 hộ nghèo và 4.526 hộ cận nghèo.

Hà Nội đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế - xã hội
Công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với phát triển kinh tế xã hội
Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội
Bức tranh kinh tế xã hội Thủ đô khởi sắc
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động