Thứ năm 23/01/2025 20:30

Hà Nội phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND về triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP năm 2024.
 học sinh, sinh viên Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động 2023. Trần Oanh
Học sinh, sinh viên tham dự Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động 2023. Ảnh: Trần Oanh

Kế hoạch nhằm cụ thể hoá các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP; gắn kết công tác giáo dục nghề nghiệp với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP trong tình hình mới; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Đồng thời, thu hút sự tham gia của học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Kế hoạch, TP phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ thực hiện đào tạo cho 235.000 lượt người.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, Kế hoạch đề ra 11 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng một số giải pháp như: tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho người lao động thuộc các đối tượng theo quy định trên địa bàn TP, góp phần triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách khuyến khích học nghề của TP; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của giáo dục nghề nghiệp đối với sự nghiệp phát triển bền vững của doanh nghiệp, chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp trong các trường THCS, THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP, góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 4/12/2018 của UBND TP về việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận học sinh tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy công tác phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kịp thời xử lý các vi phạm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.

Phát triển các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ứng dụng số hóa vào công tác quản lý đào tạo và quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm, tuyển dụng và sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật,...

UBND TP giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP sau khi được phê duyệt; triển khai xây dựng đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc TP; xây dựng Bộ định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ đào tạo đối với các nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP Hà Nội làm cơ sở triển khai thực hiện; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông: cung cấp thông tin về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP; tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh; tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 246.100 lượt người, đạt 107% kế hoạch tuyển sinh. Có 215.534 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, tăng 9,2% so với năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 của TP đạt 73,23%, vượt 0,03 điểm phần trăm so với kế hoạch đề ra từ đầu năm, tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2022 và cao hơn 5,23 điểm phần trăm so với tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của cả nước.
Sau Tết, các doanh nghiệp lại đau đầu với tình trạng thiếu hụt lao động ngành giao nhận
Dồi dào việc làm cho người lao động ngay sau Tết
Hơn 23.000 người đi xuất khẩu lao động trong 2 tháng đầu năm
Gia Hưng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động