Thứ sáu 24/01/2025 02:07

Hà Nội vẫn nhiều nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 Thành phố tại buổi giao ban trực tuyến với Sở Chỉ huy quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chiều 13-10.
Hà Nội vẫn nhiều nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban (ảnh P.C)

Theo đó, chiều 13-10, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 Thành phố đã chủ trì giao ban ban trực tuyến với Sở Chỉ huy quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 13-10-2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về “Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới”.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 Thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn.

Đẩy mạnh hoạt động của tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng

Báo cáo tại buổi giao ban, đại diện Sở Y tế cho biết: Tính đến 16g ngày 13-10, Hà Nội ghi nhận 11 ca mắc tại khu cách ly, trong đó có 10 ca liên quan tới Bệnh viện Việt Đức và 1 ca là người về từ TP Hồ Chí Minh.

Lũy tích từ đầu đợt dịch thứ tư tới nay, Hà Nội ghi nhận 4.333 ca, trong 1.320 ca tại cộng đồng, 1.942 trong các khu cách ly tập trung và 803 ca tại khu phong tỏa.

Hiện TP còn chùm ca bệnh phức tạp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với tổng số 95 ca mắc, trong đó 76 ca ghi nhận tại Hà Nội, 19 ca tại các tỉnh khác.TP còn 10/673 điểm phong tỏa.

Từ 21-9 đến nay, toàn thành phố đã xét nghiệm được 157.036 mẫu, phát hiện 130 ca mắc tại các khu cách ly, khu phong tỏa; Tổ chức xét nghiệm trọng điểm để đánh giá nguy cơ cho các đối tượng có nguy cơ cao từ ngày 30-9 đến 7-10 được 65.497 trường hợp, đều cho kết quả âm tính.

Về công tác tiêm chủng: Hiện các quận, huyện, thị xã đã tiêm được 7.599. 115 mũi, trong đó 5.111. 666 mũi 1, 2.487. 479 mũi 2. Các bệnh viện Trung ương đã tiêm được 1.159.840 mũi, trong đó có 792.138 mũi 1 và 367.702 mũi 2. Tổng số tiêm được 8.758.985 mũi, trong đó 5.903.804 mũi 1, đạt 97,95% dân số trên 18 tuổi, đạt 71,13% trên tổng dân số; mũi 2 đạt được 2.855.181, đạt 47, 4% dân số trên 18 tuổi và 34,4% trên tổng dân số.

Sở Y tế đề xuất các tuyến y tế quận, huyện, thị xã rà soát tất cả các trường hợp ho sốt, lấy mẫu xét nghiệm. UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ người về từ các khu vực trong cả nước, tiến hành theo dõi, quản lý và xét nghiệm kịp thời; Ngoài ra, lưu ý công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn...

Tại buổi giao ban, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng: Khi Hà Nội mở trở lại đường bay thì nguy cơ cao, đề nghị tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông có hiệu quả về công tác phòng dịch trên địa bàn TP cũng như trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để người dân tiếp tục ủng hộ, chung sức-đặc biệt là hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch. Các phản ánh của người dân tiếp tục qua Tổ Covid cộng đồng, tổ dân phố, Tổng đài 1022, tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm bắt được.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch của người dân theo phương châm 5K + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghề + ý thức người dân. Ý thức người dân rất quan trọng, đề nghị truyền thông, tuyên truyền cần được quan tâm duy trì thường xuyên, liên tục.

Hệ thống chính trị duy trì vào cuộc thực chất từ TP đến cơ sở và đặc biệt xuống tổ dân phố, các tổ Covid cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Các địa phương tổ chức giao ban thường xuyên để đôn đốc, chấn chỉnh và có kiểm điểm, nhắc nhở trong nội bộ để làm tốt công tác phòng chống dịch, tránh chủ quan lơ là. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ covid cộng đồng trong việc giám sát người dân trở về địa phương.

Với việc ban hành Công điện 21, Hà Nội cho phép một số hoạt động được nới lỏng, mở cửa trở lại từ 6g ngày 14-10, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch để quản lý các hoạt động một cách hiệu quả, đúng mức quy định.

Đặc biệt liên quan đến vận tải hành khách công cộng, với việc mở lại đường bay, đường sắt liên tỉnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải có hướng dẫn cụ thể. Nắm bắt tình hình cơ sở để có điều chỉnh phù hợp trên nguyên tắc yêu cầu chúng của Bộ Y tế, Bộ Giao thông-Vận tải.

Nhấn mạnh vai trò chủ động kiểm tra tại nơi có nguy cơ cao trên địa bàn quận, huyện, thị xã rất quan trọng trong đó tại siêu thị, trung tâm thương mại-đặc biệt là các bệnh viện, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị có kế hoạch kiểm tra thường xuyên các cơ sở y tế, nhà thuốc trên địa bàn để thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế như xét nghiệm định kỳ với nhân viên y tế trong bệnh viện. Cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất để nắm tình hình dịch tễ trên địa bàn.

Hà Nội vẫn nhiều nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi giao ban (ảnh P.C)

Phải chủ động chuẩn bị trước một bước trong phòng dịch

Kết luận buổi giao ban, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong ngày 2 ngày 12 và 13-10, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp bàn nhằm triển khai thực hiện ngay nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hội nghị lần thứ tư vừa qua; cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “sống chung với Covid-19” trên địa bàn Thủ đô.

Xem xét đánh giá tình hình, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định, Hà Nội vẫn đang ở trong giai đoạn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, vì vẫn còn F0 trong cộng đồng, mới nhất là ổ dịch xuất hiện ở quận Hà Đông, chưa rõ nguồn lây. Trong khi số người dân trở về từ vùng dịch ngày càng đông; ngoài các phương tiện máy bay, tàu hoả, xe khách, người dân còn di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân. Các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hà Nam cũng vừa phát sinh thêm các ổ dịch mới rất phức tạp.

“Trên thực tế tại Hà Nội một số quận, huyện nhiều ngày chưa có ca F0 trong cộng đồng, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan”, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy thành phố nhấn mạnh.

Khẳng định quan điểm chỉ đạo chung của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện nghiêm và có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển trạng thái phòng, chống Covid-19, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quán triệt tinh thần tuyệt đối không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào lúc này; phải nêu cao trách nhiệm hơn nữa, phải quyết liệt ngay từ những ngày đầu thiết lập trạng thái bình thường mới.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để bảo vệ thành quả chống dịch đạt được thời gian vừa qua, các quận, huyện, thị xã phải chủ động dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhất là các nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, phương án rà soát điều kiện cơ sở vật chất, con người để ứng phó khi cần thiết, tiếp tục dự phòng ở mức độ cao hơn; không được chủ quan, lơ là, đảm bảo chuyển trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong tình hình mới.

“Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch của Thành phố thời gian qua cho thấy, phải chủ động chuẩn bị trước một bước và quan trọng là phải dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đến tận thôn, tổ dân phố, các tổ Covid cộng đồng, các tổ tự quản liên gia...”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy thành phố Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp; trước mắt, giữ nguyên hiện trạng các cơ sở cách ly tập trung từ nay đến hết tháng 10-2021 để đề phòng các tình huống phát sinh. Chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; nghiên cứu, đẩy mạnh các mô hình tự quản như đang được áp dụng có hiệu quả tại thị xã Sơn Tây và một số địa phương khác. Rà soát ngay cơ sở vật chất của 579 trạm y tế cấp xã, nhất là hệ thống ô xy, cơ chế vận hành phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các quận, huyện, thị xã phải xây dựng ngay kế hoạch cụ thể từng phần việc, từng loại hình tổ chức, cơ sở nhằm quản lý việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch khi mở lại các hoạt động, dịch vụ.

Công an Thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát di biến động dân cư, kiểm tra việc chấp hành phòng chống dịch từ cửa ngõ đến nội đô Thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành chỉ thị mới và nghị quyết tổng thể nhằm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện chỉ đạo của Trung ương, vừa bảo đảm phòng, chống dịch an toàn, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Khoảng trên 120.000 người chưa được tiêm vắc-xin có nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm Covid-19

Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội có 97,7% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19. Tuy chỉ có hơn 2% số người từ 18 tuổi trở lên chưa đủ điều kiện được tiêm mũi 1, nhưng con số lên tới khoảng trên 120.000 người, là những người có bệnh nền, tuổi cao, phụ nữ mang thai chưa đến 13 tuần mà chỉ định không thể tiêm được... Tiếp đó là gần 3 triệu trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm. Nếu những người cao tuổi, bệnh nền không thể tiêm bị mắc SARS-CoV-2 thì nguy cơ chuyển nặng, thậm chí tử vong sẽ tăng cao.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động