Thứ sáu 24/01/2025 00:29

“Hai Phượng” và giấc mơ lớn mang tên Oscar

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng danh giá Oscar dành cho hạng mục “Phim truyện quốc tế” (tên cũ là giải thưởng “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”), Cục Điện ảnh đã lựa chọn phim “Hai Phượng” đại diện cho Việt Nam để gửi đi thi. Giấc mơ lớn Oscar kể từ “Mùi đu đủ xanh” 1993 lại được nhen lên.

Cục Điện ảnh đã nhận được thư điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ - AMPAS mời Việt Nam gửi phim tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng Oscar lần thứ 92, nhiệm kỳ 2019 - 2021, dành cho hạng mục “Phim truyện quốc tế”. Theo điều lệ, phim dự tranh giải phát hành thương mại từ ngày 1-10-2018 đến 30-9-2019.

Dưới sự chủ trì của ông Tạ Quang Đông- Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Hội đồng tuyển chọn phim Việt Nam đã cùng chấm điểm và bỏ phiếu kín cho các phim tham dự giải thưởng.

Kết quả, bộ phim “Hai Phượng” đạt điểm quy định. Bộ VH-TT&DL đã có quyết định cho phép gửi bộ phim “Hai Phượng” đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng Oscar lần thứ 92 dành cho “Phim truyện quốc tế”.

hai phuong va giac mo lon mang ten oscar
Ngô Thanh Vân và sao nhí Mai Cát Vi trong phim “Hai Phượng”. Ảnh tư liệu

Phim “Hai Phượng” do Cty TNHH MTV cung cấp tài năng Việt sản xuất, dưới bàn tay của đạo diễn Lê Văn Kiệt và sự tham gia diễn xuất của diễn viên Ngô Thanh Vân, Mai Cát Vy, Phạm Văn Khoa, Phan Thanh Nhiên, Trần Thanh Hoa.

“Hai Phượng” kể về hành trình cứu con của một bà mẹ đơn thân (do Ngô Thanh Vân thủ vai), phải một mình đương đầu với đường dây chuyên bắt cóc trẻ con buôn bán qua biên giới. Xuyên suốt bộ phim không chỉ là những góc quay ấn tượng từ Cần Thơ, TP HCM cho đến Phan Thiết mà còn là những pha hành động gay cấn do đích thân Ngô Thanh Vân thực hiện.

“Hai Phượng” cũng là bộ phim thứ 2 có sự tham gia của Ngô Thanh Vân được chọn tranh dự Oscar sau “Cô Ba Sài Gòn”. Phim phát hành tại Việt Nam từ tháng 2-2019, phát hành tại Mỹ vào tháng 3-2019 và phát hành tại Trung Quốc vào tháng 9-2019. Đây cũng là một trong số các phim Việt có doanh thu mở màn cao nhất hiện nay. Phim cũng đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình trên thế giới.

Việt Nam bắt đầu đệ trình phim lên giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài” hay nhất từ năm 1993. Hạng mục giải thưởng này được Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ trao hàng năm cho các phim chiếu rạp sản xuất ngoài Hoa Kỳ sử dụng ngôn ngữ chủ yếu không phải là tiếng Anh.

Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn chục phim được đệ trình lên giải thưởng này nhưng duy nhất có “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng được lọt vào danh sách đề cử giải Oscar.

Được biết, Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ mời các quốc gia gửi bộ phim xuất sắc nhất trong năm của họ để tranh giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất kể từ năm 1956. Uỷ ban Giải thưởng “Phim truyện quốc tế” sẽ giám sát quy trình và đánh giá các tác phẩm gửi về. Sau đó, họ sẽ bỏ phiếu kín để quyết định năm bộ phim được đề cử chính thức.

Dù từng có ý kiến cho rằng chất lượng phim điện ảnh của Việt Nam trồi sụt thất thường, năm nào phim chất lượng kém không nhất thiết phải gửi, nhưng Bộ VH-TT&DL vẫn duy trì tuyển phim gửi Oscar nhằm mục đích động viên các nhà làm phim phấn đấu hơn nữa.

Chia sẻ về niềm vui này, Ngô Thanh Vân cho hay: “Sau bao ngày đợi thì tin vui cũng đến. Vân cảm thấy rất vinh dự cho ê-kíp khi được chọn đại diện cho Việt Nam thi vòng loại Oscar. Sẽ cố gắng cho thêm nhiều sản phẩm để điện ảnh Việt được mọi người trên thế giới biết đến”.

Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 66 năm 1994, lần đầu tiên một bộ phim Việt Nam lọt vào danh sách đề cử rút gọn hạng mục “Phim nước ngoài hay nhất”. “Mùi đu đủ” xanh (The Scent of green Papaya) của đạo diễn Trần Anh Hùng đã đưa Việt Nam vào lịch sử giải thưởng danh giá này. Cho đến nay, “Mùi đu đủ xanh” vẫn là bộ phim duy nhất lọt vào danh sách đề cử rút gọn và là một chuẩn mực rất riêng cho dòng phim nghệ thuật nước nhà.

“Mùi đu đủ xanh” kể về cuộc đời nhân vật Mùi, từ khi còn là một cô bé mười tuổi (Man San Lu) đến khi trưởng thành (Trần Nữ Yên Khê). Bối cảnh của phim là vào những năm 50 tại Sài Gòn. Bộ phim là nỗ lực của đạo diễn Trần Anh Hùng tái hiện lại một phần tuổi thơ đã mất (anh di cư qua Pháp lúc còn nhỏ), nhằm khắc họa con người và không gian văn hóa Việt Nam.

Một ứng cử viên khác của Việt Nam là “Mùa len trâu” cũng đã từng được kỳ vọng khi gửi dự Oscar 2005. Bởi trước đó, “Mùa len trâu” đã giành được rất nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế. Như đoạt giải đặc biệt LHP quốc tế Amazonas (Brazil), giải đặc biệt LHP Locarno (Thụy Sĩ), giải thưởng cao nhất cho phim truyện nhựa LHP Amiens (Pháp), giải đạo diễn xuất sắc LHP Chicago (Bắc Mỹ), giải thưởng cao nhất tại LHP Asian Marine, giải thưởng Namur, giải quay phim xuất sắc nhất của LHP châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 50.

Chuyển thể từ tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam, phim “Mùa len trâu” không chỉ phô diễn một vẻ đẹp đặc biệt của không gian bao phủ bởi nước, mà ở đó nước cũng là một nhân vật. Nó biểu tượng cho cái chết (nước lụt, không có nơi chôn cất người, xác chết chìm trong nước, cây cối, con trâu cũng mục nát dưới nước). Nhưng cuộc sống cũng vươn lên từ môi trường chết chóc ấy, cá đẻ trứng và lúa mọc lên cho người nông dân lương thực. Nước là hiện thân sự sống…

Nhiều LHP như Namur (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan), Amazonas (Brazil)... đã mời và nhiều nước ngỏ lời mua bản quyền “Mùa len trâu” để trình chiếu. Tuy nhiên, “Mùa len trâu” không được lọt vào đề cử Oscar năm đó.

Tới đầu năm 2020, Ban tổ chức Oscar lần thứ 92 sẽ công bố năm tác phẩm được đề cử. Lễ trao Giải Oscar sẽ diễn ra vào ngày 9-2-2020 tại Los Angeles (Mỹ). Giấc mơ lớn có thành hiện thực?!

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động