Học phí năm học mới có tăng theo lộ trình?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVẫn còn địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo chưa thực hiện đúng chủ trương
Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí năm các cấp học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh do dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định mới để thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (dự kiến Nghị định sẽ ban hành trong tháng 8-2021 để áp dụng từ năm học 2021-2022), trong đó quy định mức trần học phí đối với năm học 2021-2022 của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập giữ ổn định bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập do Nhà nước quy định cho năm học 2020-2021.
Thời gian qua theo phản ánh của người dân, vẫn còn một số địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo chưa thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và các văn bản của Bộ GD&ĐT, vẫn còn tình trạng một số cơ sở giáo dục và đào tạo tăng học phí, thu một số khoản thu ngoài quy định trong bối cảnh đời sống và kinh tế của người dân đang còn gặp nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo khẩn trương rà soát, tổ chức công tác dạy học hợp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng và cắt giảm tiết kiệm tối đa các chi phí để tiết giảm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo không cần thiết và giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như mức học phí năm học 2020-2021 đã ban hành.
Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều phụ huynh phải khắc phục khó khăn về tài chính. Ảnh: Khánh Huy |
Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch. Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của Nhà nước, các bộ ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho các học sinh, sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021-2022.
Phụ huynh đau đầu vì học phí trường tư
Theo khảo sát, nhiều trường tư, trường công lập tự chủ tài chính ở Hà Nội lựa chọn phương án chỉ giảm 25% học phí trong thời gian dạy học trực tuyến. Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) công bố ba mức học phí. Trong đó trường cũng thông tin về ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tổ chức dạy học trực tuyến. Học phí trực tuyến sẽ bằng 75% mức đã công bố. Phụ huynh có con học trường này cho biết năm học trước, vào các tuần học trực tuyến, trường cũng tính toán thu 50 - 75% mức học phí (tùy từng đợt học trực tuyến). Vì các đợt học trực tuyến năm trước diễn ra ngắn, phụ huynh đều có tâm lý chia sẻ với nhà trường nên đã thống nhất. Nhưng năm nay có thể việc dạy học trực tuyến sẽ kéo dài hoặc có nhiều đợt chiếm phần lớn thời lượng dạy học do dịch bệnh khó lường. Vì thế mức thu 75% học phí trực tuyến là quá cao.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, trường cũng xác định sẽ phải dạy học trực tuyến từ đầu năm học. Trường sẽ khảo sát ý kiến phụ huynh toàn trường để chọn phương án có sự đồng thuận cao nhất, trên tinh thần nhà trường và người học cùng chia sẻ một phần khó khăn do dịch bệnh. Mức giảm 20%, 25% hay 30% học phí khi dạy học trực tuyến là tùy ở thỏa thuận của trường với phụ huynh và cách tính cho bài toán tài chính của mỗi trường. Tuy nhiên nguyên tắc của trường tư là dựa trên sự đồng thuận giữa phụ huynh và trường.
Hệ Phổ thông FPT trên toàn quốc cho biết sẽ tạm thu học phí đầu năm học 2021-2022 theo mức học phí của năm học trước trong khi chờ xây dựng mức học phí chính thức. Dù theo cam kết với phụ huynh, trường sẽ tăng học phí không quá 10% mỗi năm. Việc xây dựng học phí chính thức sẽ được thực hiện khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định về cơ chế thu, quản lý học phí và các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các năm học từ 2021-2022 đến 2025-2026. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cam kết khung học phí của trường được ban hành tới đây theo Nghị định mới sẽ không cao hơn mức đã thông báo trước đó cho người học. Hệ thống Giáo dục Alpha school, hệ thống trường phổ thông liên cấp Newton, hệ thống Giáo dục thực nghiệm Victory tại Hà Nội cũng cho biết không tăng học phí so với năm học cũ.
Tại trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội), các phụ huynh cho hay, theo lộ trình, trường tăng học phí ba năm một lần. Năm ngoái, trường đã thông báo năm nay sẽ tăng học phí với mức khoảng 20%. Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu vẫn làm theo thông báo cũ, trường không sai nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các phụ huynh cũng gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Vì thế các phụ huynh mong nhà trường sẽ giữ nguyên mức học phí. Bên cạnh đó, hiện một số trường tư chất lượng cao của Hà Nội thông báo mức học phí, nhưng không có mục “giảm học phí” hay “học phí online” tỉ lệ bao nhiêu phần trăm so với mức học phí công bố. Như vậy, phụ huynh đều hiểu rằng học sinh sẽ phải đóng học phí 100% cả khi học trực tuyến hay trực tiếp.
Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều phụ huynh mất việc, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, họ đang phải loay hoay khắc phục khó khăn. Đây cũng là một lý do khiến nhiều phụ huynh gặp cảm giác choáng và mong mỏi các trường giảm học phí chia sẻ một phần khó khăn với học sinh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại