Thứ hai 03/02/2025 17:54
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam

Không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khoản 3.a, điều 8 - Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên, khẳng định: Không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức.
khong ai bi yeu cau phai lao dong bat buoc
Không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức (Ảnh minh họa)

Anh Chu Văn T. (45 tuổi ở Hòa Bình) có hỏi: Em trai tôi có ký kết hợp đồng vay vốn của một công ty B để phát triển công ty riêng của mình.

Khi ký kết hợp đồng, phía bên công ty B có yêu cầu chia phần trăm khi công ty đi vào hoạt động có lãi và em tôi đồng ý.

Thời gian đầu công ty phát triển bình thường và em tôi đã trả được 60% số tiền đã vay của công ty B.

Nhưng sau một thời gian công ty của em tôi gặp nhiều biến cố nên bị phá sản và hiện tại không có khả năng để thanh toán khoản vay trước đó với họ.

Phía công ty B thấy em tôi là người có tài, có chí nên không yêu cầu em tôi phải thanh toán ngay số tiền còn lại mà họ có yêu cầu em tôi về công ty của họ làm việc, để trả dần số tiền đã vay vào mỗi dịp thanh toán tiền lương.

Ban đầu em tôi thấy yêu cầu của họ hợp lý nên đồng ý ký kết hợp đồng về công ty họ để làm việc.

Nhưng sau một thời gian làm việc tại công ty của họ, em tôi liên tục bị yêu cầu làm việc nhiều hơn quy định.

Hơn thế nữa, em tôi còn bị đối xử như kiểu như một “nô lệ”, liên tục yêu cầu làm thêm những phần việc không đúng với chuyên môn mà em tôi không muốn.

Khi em tôi phản đối và không muốn làm những phần việc trên thì họ có nói: Anh phải làm các công việc được giao để thanh toán khoản tiền đã vay của công ty họ.

Vậy tôi muốn hỏi, em tôi nợ tiền của họ và bị yêu cầu làm những việc mà em tôi không muốn như vậy thì đúng hay sai? Việc làm của họ có vi phạm luật lao động không?.

Giải đáp câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Đông Khánh - Văn phòng LS Việt Quốc (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết:

Đối với trường hợp em trai của anh Chu Văn T thì phía bên công ty B đang vi phạm nghiệm trọng luật Lao động

Bởi, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 tại điều 5, điều 6 - Bộ luật lao động nêu rõ:

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

1. Người lao động có các quyền sau đây:

a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

c) Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

d) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;

đ) Đình công.

2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;

b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;

c) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

a) Tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

b) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu tập thể lao động đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; trao đổi với công đoàn về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc.

2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở;

c) Lập sổ quản lý lao động, sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

d) Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương;

đ) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 - Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên, khẳng định:

1.Không ai bị bắt làm nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm.

2. Không ai bị bắt làm nô dịch.

3.a) Không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức;

b) Mục a, khoản 3 điều này không cản trở việc thực hiện lao động cưỡng bức theo bản án của một tòa án có thẩm quyền ở những nước còn áp dụng hình phạt tù kèm lao động cưỡng bức như một hình phạt đối với tội phạm.

c) Theo nghĩa của khoản này, thuật ngữ "lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức" không bao gồm:

i) Bất kỳ công việc hoặc sự phục vụ nào không được nói tại điểm b, mà thông thường đòi hỏi một người đang bị giam giữ theo quyết định hợp pháp của toà án hoặc một người khi được trả tự do có điều kiện phải làm;

ii) Bất kỳ sự phục vụ nào mang tính chất quân sự và bất kỳ sự phục vụ quốc gia nào do luật pháp của một nước quy định đối với những người từ chối làm nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm, trong trường hợp quốc gia đó cho phép từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm;

iii) Bất kỳ sự phục vụ nào được yêu cầu trong trường hợp khẩn cấp hoặc thiên tai đe doạ đến tính mạng hoặc đời sống của cả cộng đồng;

iv) Bất kỳ công việc hoặc sự phục vụ nào là một phần của các nghĩa vụ dân sự thông thường.

Vậy, theo Luật lao động thì bạn hoàn toàn có thể từ chối làm các công việc không phù hợp và vượt quá quy định trong hợp đồng lao động của mình. Và bạn có thể xin chấm dứt hợp đồng lao động với phía công ty để chọn một công việc khác phù hợp với mình hơn.

Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo thêm thông tin trong Bộ luật lao động.

Đức Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động