Thứ sáu 24/01/2025 00:27

Khúc tráng ca về "Trung đoàn mũ sắt"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2021), Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ra mắt trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai về hành trình xúc động đi tìm đồng đội nằm lại mảnh đất Tây Nguyên năm xưa.

Tác giả Lữ Mai chia sẻ, trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" lấy cảm hứng từ câu chuyện về "Trung đoàn mũ sắt" - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312). Đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều chiến sĩ là người Hà Nội. Đơn vị bộ binh này tham gia đánh trận đầu tiên ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26-3-1968. Trong trận đánh này, các chiến sĩ chiến đấu anh dũng, trong đó có nhiều người đã hy sinh.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những chiến sĩ may mắn trở về đã bước sang tuổi 70, vẫn luôn đau đáu về những người đồng đội ngã xuống, vẫn còn nằm lại Chư Tan Kra.

Với niềm trăn trở, khát khao đưa đồng đội về với gia đình, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực... để đi tìm hài cốt đồng đội. Những hành trình thầm lặng của họ cuối cùng cũng được đền đáp, hài cốt của nhiều chiến sĩ đã được tìm thấy, được trở về với người thân.

Vì thế, nội dung của trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" tập trung viết về thế hệ những chiến sĩ "Trung đoàn mũ sắt" đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh xương máu cho Tổ quốc và những người trở về đang sống và hành động đầy nghĩa tình.

Khúc tráng ca về
"Chư Tan Kra mây trắng" - Khúc tráng ca của "Trung đoàn mũ sắt"

Trường ca dài 152 trang, gồm 6 chương: Giấc mơ vụn, Đỉnh gió, Bên kia đại dương, Mẹ vẫn đợi con về, Gửi hòa bình và Mẹ, nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, các cựu chiến binh và các thế hệ hôm nay vẫn không ngừng nghỉ tìm hài cốt liệt sĩ đưa về đất mẹ.

Tác phẩm còn xây dựng nguyên mẫu thế hệ trẻ là các phóng viên, biên tập viên chương trình "Đi tìm đồng đội" (Truyền hình Quốc phòng Việt Nam); khai thác góc nhìn của những người bên kia chiến tuyến trở lại chiến trường xưa, cùng các cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ; khai thác về tình mẫu tử, tình cảm của thân nhân các liệt sĩ,...

Tác giả Lữ Mai cho biết, trường ca này có sự đồng hành của các phóng viên, biên tập viên chương trình "Đi tìm đồng đội"; được cung cấp tư liệu, chuẩn hóa thông tin, chia sẻ từ các cựu chiến binh "Trung đoàn mũ sắt" năm xưa. Chính những điều ấy đã tạo nên một tác phẩm chân thực, giàu tính nhân văn, tạo được sức lan tỏa rộng khắp.

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Chị tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội (Tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Hiện chị công tác tại Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Nhân Dân, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Các tác phẩm chính của nhà văn Lữ Mai đã được xuất bản: Giấc (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010), Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019), Mở mắt rồi mơ (Tập thơ NXB Hội Nhà văn, 2015), Thời cách ngắn trống rỗng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Linh hồ (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019), Nơi đầu sóng (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Những mùa hoa còn lại (Tản văn, NXB Quân đội Nhân dân), Ngang qua bình minh (Trường ca, NXB Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021).

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động