Thứ sáu 24/01/2025 10:46
Di dời bệnh viện, trường học trong nội thành Hà Nội:

Kỳ 1: Cần thiết phải di dời

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với hơn 8,4 triệu dân và khoảng 6,4 triệu phương tiện xe cơ giới, Hà Nội đã và đang đối mặt với những áp lực giao thông khủng khiếp. Cộng thêm với lượng người, phương tiện đến làm việc, học tập, khám chữa bệnh… thì việc ùn tắc giao thông của Hà Nội là một căn bệnh trầm kha.
BV Bạch Mai, một trong những BV nằm trong danh sách di dời
BV Bạch Mai, một trong những BV nằm trong danh sách di dời

Chủ trương di dời BV, trường học được phê duyệt trong các Quyết định của Chính phủ, nằm trong quy định tại Điều 9, Luật Thủ đô đã từng khiến cho người dân mong chờ một Hà Nội thông thoáng.

Áp lực giao thông khủng khiếp ở Hà Nội

Tổ hợp 5 BV bao gồm BV Bạch Mai, BV Nhiệt đới, Lão khoa, Việt Pháp, Da liễu TƯ tọa lạc trên hai tuyến phố Giải Phóng và Phương Mai luôn khiến khu vực vốn không rộng rãi này luôn là điểm nóng tắc nghẽn trong câu chuyện giao thông đô thị. Chẳng cần giờ tan tầm, chẳng cần giờ cao điểm và mặc dù lực lượng bảo vệ của BV đã cật lực phân đường, nhưng việc đông đúc, tắc nghẽn ở khu vực này đã như một món “đặc sản”.

Không chỉ gây ách tắc giao thông, với lượng bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành dồn tụ, mật độ người lưu thông và sinh sống trên các con phố này cũng vô cùng đông đúc, tạo nên những dãy phố, ngóc ngách trật trội và phức tạp. Một đoạn phố ngắn trên tuyến Đê La Thành có cả BV Nhi TƯ và BV Phụ sản Hà Nội. Quãng đường nhỏ nhắn hàng ngày oằn mình chịu áp lực giao thông lớn hơn bất cứ con phố nào. Xe vào, xe ra cùng người đi lại không dứt. Lượng bệnh nhân cùng người nhà lưu trú khiến những ngách phố nhỏ nhếch nhác, ồn ào…

Đồng cảnh ngộ, con phố Phủ Doãn chỉ cần một chiếc xe đi chậm là cả tuyến phố như dừng lại. Vỉa hè con phố đã chật hẹp lại gánh trên mình thêm chức năng bãi trông xe. Những chiếc xe ô tô, xe máy xếp san sát đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Mỗi lần có xe cứu thương hú, dòng người luống cuống tìm chỗ để dạt ra nhường đường. Nhưng cố lắm cũng chỉ tạo ra được những khe hở. Gần đó, con phố Triệu Quốc Đạt cũng cùng chung số phận. Lượng người, xe tới tấp… Những bước chân vội vã, khuôn mặt mệt mỏi của những phụ nữ bụng to vượt mặt, cùng với sự hấp tấp của người nhà như khiến con phố không khi nào yên tĩnh.

Trong 4 quận trung tâm, hiện có 16 cơ sở y tế, trong đó 12 cơ sở cấp TƯ, 4 cơ sở của bộ, ngành. Với hệ thống hạ tầng còn chưa hoàn chỉnh, ngày ngày, mật độ dân cư, mật độ giao thông ở nơi có những cơ sở y tế đang cày nát, băm vằm những con phố đáng lẽ hào hoa, tráng lệ. Không chỉ vậy, giao thông Hà Nội, các phố nhỏ, ngõ nhỏ Hà Nội còn đang tiếp tục gánh một lượng lớn sinh viên từ khắp mọi miền đến học tập và sinh sống. Khu Bách Khoa với một loạt các trường ĐH với vài nghìn sinh viên biến cả khu vực này như một thành phố nhỏ của sinh viên. Và dĩ nhiên, đông đúc, chật chội, nhếch nhác…

Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 96 trường ĐH, cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên cả nước. Riêng 4 quận trung tâm có 26 trường. Trong đó, quận Đống Đa có 10 trường ĐH và học viện (ĐH Y, Học viện Ngân hàng, ĐH Công đoàn, ĐH Thủy lợi, ĐH Luật, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Thanh thiếu niên, Học viện Phụ nữ, Học viện Ngoại giao và ĐH Ngoại thương).

Di dời để giảm áp lực hạ tầng đô thị

Tính đến năm 2021, thành phố Hà Nội có hơn 8,4 triệu dân, trong đó, số dân ở 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa rơi vào tầm hơn 884 nghìn người. Với lượng cư dân đông đúc, hàng năm lại cộng thêm số người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, học tập, chữa bệnh… đã tạo nên một sức ép khủng khiếp cho toàn bộ hệ thống hạ tầng của Hà Nội.

Nhằm giảm áp lực về hạ tầng, giao thông cho khu vực trung tâm trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường ĐH, BV từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô. Ngay sau đó, tại Điều 9, mục 1 Luật Thủ đô năm 2012 cũng đã quy định rõ việc cần thiết di dời này. UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu 13 cơ sở y tế và 12 cơ sở giáo dục phải di dời. Theo quy định, quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị và được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho đơn vị bị di dời.

Tiếp sau đó, ngày 23-1-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, BV cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Đây là chủ trương đúng thể hiện tầm nhìn phát triển chiến lược lâu dài, cũng như giảm áp lực cho hạ tầng đô thị. Quy định là thế, quyết tâm là vậy, nhưng cho đến nay, số BV, trường ĐH thực thi việc di chuyển vẫn dậm chân tại chỗ.

13 cơ sở y tế phải di dời: BV Bạch Mai, BV Hữu Nghị, BV Nhi TƯ, BV Phụ sản TƯ, BV Tai Mũi Họng TƯ, BV Lao và bệnh phổi TƯ, BV Châm cứu TƯ, BV Y học cổ truyền TƯ, BV Nội tiết, BV Mắt TƯ, BV ĐH Y Hà Nội, BV K, BV Việt Đức. 12 cơ sở giáo dục phải di dời: ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật HN, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa HN, ĐH Xây dựng, ĐH Y HN, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở, CĐ Công nghệ cao HN, CĐ Y tế HN. 11 cơ sở giáo dục phải cải tạo: ĐH Bách khoa HN, ĐH Dược HN, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật công nghiệp HN, ĐH Thủy lợi, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, CĐ Nghệ thuật HN.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động