Kỳ 2: Điểm “đúng huyệt” những sai phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược phẩm Vimedimex thời điểm chưa bị khởi tố |
Những mánh khóe tội phạm
Mới đây, liên quan đến sai phạm trong đấu giá đất tại dự án Helianthus Center Red River, thuộc địa bàn xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội, CQCSĐT CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược phẩm Vimedimex về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" cùng 7 bị can khác.
Theo đó, CQCSĐT CATP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Loan, SN 1970, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược phẩm Vimedimex và các thuộc cấp gồm: Nguyễn Hưng, Nguyễn Xuân Đức..., để điều tra các vi phạm về hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại Điều 218, BLHS năm 2015.
Ngoài ra, một số cá nhân làm việc tại Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT Hà Nội; BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh; Cty CP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội cũng bị cáo buộc có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356, BLHS năm 2015 do có hành vi thông đồng hạ giá khởi điểm đất đấu giá tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. CQĐT đã xác định, thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 200 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định tháng 8-2020, BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu Cty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị khoảng 500 tỷ đồng. Nhưng các bên liên quan thông đồng với nhau để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn thực tế. Các bị can lập khống 12 phiếu khảo sát đưa vào hồ sơ thẩm định và hạ giá trị khu đất còn xuống 300 tỷ đồng. Theo hồ sơ xác lập của CQĐT, Nguyễn Thị Loan lập nhiều Cty làm “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá khu đất trên.
Cùng tính chất thao túng đấu giá đất để trúng các lô, sau đó bán “sang tay” hưởng chênh lệch, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương (hai bị can đã được TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử) lại sử dụng cách thức khác như dùng xã hội đen, “giang hồ làng” thị uy những người tham gia các cuộc đấu giá.
Tháng 4-2020, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương đã bị CQĐT CA tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 18-9-2020, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ) 18 tháng tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong buổi đấu giá đất ngày 20-12-2019 tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thái Bình.
Đối tượng Nguyễn Xuân Đường tại tòa |
Luật quy định loại hình tội phạm này như thế nào?
Liên quan đến những vụ "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra trong thời gian qua, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” là điều luật mới lần đầu tiên được quy định trong BLHS. Nhưng thực chất tội danh này được cụ thể hóa từ tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165, BLHS năm 1999 trong trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, khác với quy định về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, trong cấu thành của tội này không chỉ quy định hậu quả thiệt hại gây ra cho người khác (từ 50 triệu đồng trở lên) mà hoặc là thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên cũng đã cấu thành tội phạm.
Theo đó, Điều 218 BLHS năm 2015 quy định 2 khung hình phạt: Người phạm tội theo quy định tại khoản 1 thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; người phạm tội theo quy định tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, áp dung đối với một trong các trường hợp: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên; d) Phạm tội 2 lần trở lên; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Mặt khác, khung hình phạt của tội danh này nhẹ hơn rất nhiều so với tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Khung cơ bản quy định mức tối thiểu là phạt tiền 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 1 đến 5 năm tù, so với khung khởi điểm của Điều 165 là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; khung hình phạt cao nhất là từ 10 đến 20 năm tù.
Luật sư Thái cũng dẫn giải, Điều 70, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan như sau: “Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Điểm b Khoản 5 Điều 9, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây: Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”.
Như vậy, hành vi thông đồng móc nối với người tham gia đấu giá là hành vi cấm theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo số liệu Bộ Tư pháp công bố mới đây, số lượng đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các cuộc đấu giá tài sản ở Việt Nam. Tổng giá trị đấu giá quyền sử dụng đất chiếm trên dưới 90% giá trị các cuộc đấu giá tài sản. Những vụ án trong thời gian qua cho thấy những sơ hở trong việc quản lý đất đai, thiếu trách nhiệm và tha hóa của một số cán bộ có liên quan đến việc định giá, tổ chức đấu giá, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều tổ chức cá nhân liên quan. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý về bất động sản, minh bạch thị trường, sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. |
(Còn nữa)
Kì 1: Đất nền đấu giá có phải là “miếng bánh ngọt”? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại