e magazine
16:00 | 22/04/2025
Kỳ 3: Bí quyết của những "người giữ lửa" xóm giềng

16:00 | 22/04/2025

Chúng tôi được gặp gỡ nhiều hòa giải viên, được các bác nhiệt thành chia sẻ những câu chuyện buồn vui về nghề “hòa giải”, những bí quyết, kinh nghiệm hòa giải thành, những thay đổi tích cực của xóm làng, khu phố và cả những trăn trở, tâm tư với nghề.
Kỳ 3: Hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong công tác hòa giải

Chúng tôi được gặp gỡ nhiều hòa giải viên, được các bác nhiệt thành chia sẻ những câu chuyện buồn vui về nghề “hòa giải”, những bí quyết, kinh nghiệm hòa giải thành, những thay đổi tích cực của xóm làng, khu phố và cả những trăn trở, tâm tư với nghề.

Công việc nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng không hề đơn giản, bởi mỗi vụ việc là một tình huống khác nhau, có những vụ chỉ hòa giải một lần là thành công nhưng ngược lại có vụ kéo dài cả năm trời, hòa giải viên phải đi lại rất nhiều lần để hòa giải thì mới thành…

Vất vả là vậy nhưng các cô, các bác hòa giải viên ở cơ sở luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vẫn âm thầm làm công việc của mình, không quản ngại khó khăn, luôn có mặt kịp thời trong các tranh chấp của người dân, để hoá giải mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn sự bình yên, văn minh, thanh lịch của Thủ đô.

Không để cho "quả mìn tức" được châm ngòi, phát nổ

Gương mẫu, nhiệt tình, năng nổ trong mọi công tác của địa phương cũng như trong công tác hòa giải, đó là những lời khen ngợi của người dân ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội dành cho anh Nguyễn Công Hiếu, SN 1985, là Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Động Phí.

Đời sống của người dân ở nơi đây chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, một số hộ làm nghề mộc, buôn bán, kinh doanh nhỏ… Đa số người dân chất phác, thật thà nhưng mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, họ hàng, xóm giềng… là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, những người làm công tác hòa giải như anh Hiếu chính là cầu nối giúp gắn kết tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống cho Nhân dân.

Kỳ 3: Hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong công tác hòa giải

“Hiểu được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, những năm qua, tổ hòa giải thôn Động Phí luôn nỗ lực làm tốt công tác hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh. Chúng tôi luôn cố gắng xử lý, không để cho "quả mìn tức" được châm ngòi, phát nổ”, anh Nguyễn Công Hiếu cho biết.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Công Hiếu, làm công tác hòa giải cơ sở không dễ dàng, ở thôn quê lại càng khó, vì bị ràng bởi những mối quan hệ chằng chịt làng xóm láng giềng, anh em họ mạc, phong tục tập quán, quy ước, hương ước của địa phương…

Bởi vậy, để làm tốt công tác hòa giải thì hòa giải viên cần phải tích cực trau dồi kiến thức thức pháp luật thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác hòa giải do TP, huyện tổ chức hàng năm; mỗi hòa giải phải thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu sách, báo, mạng internet để trau dồi kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng dân vận; phải gần gũi, lắng nghe ý kiến của Nhân dân…

Để hòa giải các vụ việc, anh cho biết, trước tiên cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, lắng nghe ý kiến chia sẻ của các bên rồi tùy vào từng vụ việc anh sẽ chia ra các bước để giải quyết.

Sau đó là cố gắng xoa dịu sự căng thẳng của đôi bên để họ kiềm chế bản thân, bình tĩnh trở lại; đứng trên lập trường của đôi bên để phân tích chỉ ra cái đúng, cái sai của mỗi bên giúp họ hiểu ra vấn đề; vận dụng các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán tại địa phương... để đưa vào giải quyết vấn đề; thuyết phục có tình, có lý, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, giúp hóa giải mâu thuẫn, lập lại quan hệ hài hòa, đoàn kết.

Với kỹ năng, kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, nhiều năm qua, anh Hiếu cùng tổ hòa giải đã hòa giải thành nhiều vụ việc trong thôn; tổ hòa giải thôn Động Phí được công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”, được công nhận thôn văn hóa; tinh thần đoàn kết, gắn bó của Nhân dân trong thôn ngày càng nâng cao.

“Dân vận khéo việc gì cũng thành công”

Tham gia công tác hòa giải từ năm 1992 đến nay, ông Mai Văn Liên, SN 1950, hòa giải viên Tổ dân phố số 10 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, không có bất cứ một mẫu chung nào để áp vào các sự vụ, các mâu thuẫn; để hòa giải thành công, hòa giải viên phải biết phân tích, nhìn nhận và linh động xử lý từng vụ việc theo từng hoàn cảnh cụ thể. Để làm được điều đó, người hòa giải viên phải nắm được câu chuyện cũng như tâm tư nguyện vọng của nguyên đơn, bị đơn và phải nắm được nguồn cơn, nguyên nhân của mỗi mâu thuẫn…

Chia sẻ bí quyết hòa giải cơ sở, ông cho biết, trong nhiều năm làm công tác hòa giải, ông cùng tổ hòa giải đã hòa giải được nhiều vụ mâu thuẫn to có, nhỏ có. Ông Mai Văn Liên cho rằng, yếu tố cần có của người hòa giải viên đó là uy tín, trách nhiệm, có kĩ năng và nghiệp vụ hòa giải; gia đình, người thân phải gương mẫu về lối sống, chấp hành tốt những quy định của địa phương; có ý thức nâng cao hiểu biết, nhất là các luật liên quan đến sự vụ phải giải quyết.

Trước một sự việc phải bình tĩnh nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, công tâm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân và đặt lợi ích chung lên trên hết. Người làm công tác hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình, không ngại khó ngại khổ, luôn gần dân, tôn trọng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết thấu tình đạt lý, luôn đặt chữ tâm chữ tình lên hàng đầu.

Và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử khéo léo phù hợp với từng đối tượng. Đó cũng là những kinh nghiệm mà ông Liên đã đúc rút được trong quá trình làm công tác hòa giải của mình.

Kỳ 3: Hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong công tác hòa giải

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, hơn 10 năm qua bà Nguyễn Thị Thịnh, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi, Chi hội phó Chi hội phụ nữ, Tổ phó Tổ hòa giải tổ dân phố 31, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã vận dụng lời dạy của Bác trong công tác hòa giải cơ sở, nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được bà hòa giải thành công.

Bà Nguyễn Thị Thịnh quan niệm, để hòa giải thành công, người cán bộ phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người dân mới tin và nghe theo; nắm bắt thông tin kịp thời, nhiều chiều, biết chọn lọc và đưa ra lý lẽ thuyết phục, tạo được niềm tin đối với đối tượng hòa giải.

Khi xảy ra vụ việc liên quan hoặc có đơn đề nghị, không quản ngại bất cứ thời gian nào, bà kịp thời cùng với Tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành họp các thành viên trong tổ hòa giải, phân tích tình hình, tìm ra lý do nguyên nhân của từng vụ việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể. Từ đó, đích thân bà cùng với tổ hòa giải và các chi hội đoàn thể có liên quan đã đến từng nhà làm công tác tư tưởng, giải thích vận động, cùng vào cuộc để vận động, hòa giải.

Xác định hòa giải cơ sở là công việc có nhiều khó khăn, phức tạp, bà Nguyễn Thị Thịnh luôn học hỏi, tìm tòi để có cách làm hiệu quả, để không chỉ hóa giải mâu thuẫn trong khu dân cư mà còn giúp người dân tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Từ đó, dần hình thành ý thức thượng tôn pháp luật trong mỗi người dân.

Kỳ 3: Hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong công tác hòa giải

Được đánh giá là người có uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao, có hiểu biết về chính sách pháp luật, giàu lòng nhân ái, kiên trì gần gũi và thấu hiểu cuộc sống của từng hộ dân trong tổ. Bà Thịnh đến với công việc này bằng cái “tâm” của mình, bà luôn mong muốn trong mỗi gia đình và bà con lối xóm có cuộc sống bình yên, tối lửa tắt đèn có nhau, bà con hàng xóm luôn đoàn kết góp phần xây dựng tổ dân phố văn hóa.

Tổ dân phố số 31 có vị trí dọc theo phố Trung Kính, với hơn 500 hộ dân, số hộ thuê trọ nhiều nên tình hình an ninh, trật tự phức tạp nhưng bà đã cùng các thành viên trong tổ, cùng với sự vào cuộc của các chi hội đoàn thể tổ dân phố, nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây được bình yên.

Không chỉ làm tốt vai trò là cán bộ hòa giải, bà Nguyễn Thị Thịnh còn là một Chi hội trưởng Người cao tuổi xuất sắc. Năm 2024, bà được Hội Người cao tuổi phường Trung Hòa tặng giấy khen, Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 31 được Hội Người cao tuổi quận Cầu Giấy khen thưởng.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong công tác hòa giải
Kỳ 1: Những câu chuyện hòa giải "tình - lý" Kỳ 1: Những câu chuyện hòa giải "tình - lý"
Kỳ 2: Những “người vác tù và” được dân mến, dân tin Kỳ 2: Những “người vác tù và” được dân mến, dân tin

Nội dung: Lê Mận

Trình Bày: Cao Kỳ