Thứ năm 23/01/2025 06:17
Người Hà Nội thượng tôn pháp luật - gìn giữ đoàn kết cơ sở

Kỳ cuối: iHanoi giúp nắm bắt được những vấn đề của người dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Được UBND phường đến tận sảnh chung cư để hỗ trợ cài đặt ứng dụng iHanoi, chị Nguyễn Thanh Nhàn (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) cho biết, chưa khi nào chị thấy việc trao đổi giữa chính quyền và người dân lại dễ dàng, tiện dụng và thân thiện như thế.
Bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng, quận Long Biên hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng iHaNoi. Ảnh: VGP/Minh Anh
Bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng, quận Long Biên hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng iHanoi. Ảnh: VGP/Minh Anh

iHanoi giúp người dân hiểu hơn về các quy định pháp luật

Chị Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tại khu vực chị ở, mặc dù không nhiều nhưng cũng có nhiều những câu chuyện “chướng tai, gai mắt” xảy ra. Đó là sự bất chấp biển cấm để đỗ xe ở vỉa hè, lòng đường. Đó là việc bất tuân pháp luật của những đối tượng lừa đảo, những đối tượng đòi nợ thuê… gây bức xúc cho dân chúng.

“Mặc dù biết để giải quyết những vấn đề ấy chúng tôi phải tìm đến chính quyền, đến Công an để trình báo. Tuy nhiên cái tâm lý ngại đến “cửa quan” vì sợ phiền hà nên lắm khi cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng khi sử dụng ứng dung iHanoi, mọi việc đã được giải quyết một cách dễ dàng. Đồng thời sự phản hồi nhanh chóng của các cơ quan chuyên trách cũng khiến chúng tôi cảm thấy vững tin hơn…” - chị Nguyễn Thanh Nhàn bày tỏ.

Cùng nhận định với chị Nguyễn Thanh Nhàn, anh Nguyễn Tuấn Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ, anh rất hài lòng với các tiện ích trên ứng dụng số này, trong đó có mục phản ánh hiện trường. Bởi với tính năng này, chính quyền địa phương sẽ nắm bắt được những vấn đề của người dân và sớm giải quyết, qua tạo đồng thuận giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Tôi thấy hiệu quả rất cao, chỉ trong chưa đầy 1 tiếng, phản ánh của tôi đã được UBND phường xử lý ngay. Phản hồi của họ cũng rất rõ ràng. Chính quyền đã gọi điện thoại trực tiếp cho chúng tôi và nói quá trình giải quyết ra sao…” - anh Nguyễn Tuấn Hùng cho biết.

Ngoài công cụ phản ánh hiện trường, các loại thủ tục hành chính hay đăng ký tiếp công dân, ứng dụng iHanoi còn tích hợp nhiều tiện ích đô thị như: camera giao thông, y tế, tra cứu phạt nguội, thông tin quy hoạch, môi trường, giáo dục, du lịch, thanh toán trực tuyến…

Còn theo anh Nguyễn Linh (Ba Đình, Hà Nội), một trong những lợi ích khác của ứng dụng iHanoi là hỗ trợ xử lý dịch vụ công trực tuyến. Thay vì phải đến UBND phường mất thời gian, phải xếp giấy tờ, làm các thủ tục như trước đây, thì người dân có thể đăng nhập và khai báo thông tin trực tiếp ở trên ứng dụng để được giải quyết nhanh chóng hơn.

“Không chỉ đơn giản là việc nhận được phản hồi một cách nhanh nhất, thông qua các văn bản chính quy của các cơ quan chức năng, người dân cũng cơ bản nắm được quy định, quy trình giải quyết, trình tự giải quyết của từng công việc, vụ việc khác nhau. Đây cũng là một cách để người dân hiểu hơn về các quy định pháp luật, từ đó có lối hành xử văn minh hơn, tránh được nhiều những bức xúc không đáng có do thiếu hiểu biết” – anh Nguyễn Linh nói.

Những nội dung phản ánh của người dân trên iHaNoi được nhanh chóng ghi nhận và xử lý. Ảnh chụp màn hình
Những nội dung phản ánh của người dân trên iHaNoi được nhanh chóng ghi nhận và xử lý. Ảnh chụp màn hình

iHanoi với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Mới đây, Trung tâm Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có báo cáo về tình hình thực hiện ứng dụng iHanoi (tuần 6, tính đến hết ngày 8/8/2024).

Theo đó, tính đến ngày 8/8/2024, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã tổ chức cấp và tạo tài khoản cho công chức, viên chức (CCVC) trong thành phố, trong đó 61/61 cơ quan đơn vị (30 quận, huyện, thị xã và 31 ban, sở, ngành, đơn vị trực thuộc) đã tham gia tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị (PAKN) trên ứng dụng iHanoi.

Đến thời điểm hiện tại đã có 458,886 số tài khoản của người dân tham gia ứng dụng iHanoi, đạt tỷ lệ 9,1%. Trong đó, số tài khoản CCVC, người lao động là 130.165 đạt tỷ lệ 100%. Số tài khoản CCVC xử lý PAKN là 5.527.

Theo số liệu thống kê, từ khi ứng dụng iHanoi ra mắt đến nay, đã có 2.350 PAKN hiện trường. Trong đó, 1.654 PAKN được xử lý, đạt 70,4%; 180 PAKN đã từ chối (7,6%); 272 PAKN đang xử lý (11,6%); 244 PAKN đang chờ xử lý (10,4%).

Về tình hình giải quyết PAKN thủ tục hành chính, đến ngày 8/8, có 247 phản ánh, kiến nghị. Trong đó, 42 phản ánh chờ xử lý (17%); 99 phản ánh chuyển xử lý (40,1%); 23 phản ánh đã xử lý (9,3%); 83 phản ánh đã từ chối (33,6). Số phản ánh từ chối hầu hết do đề nghị giải quyết khiếu nại về thủ tục đất đai; gửi thông tin không rõ ràng.

Số PAKN chuyển về thành phố giải quyết tăng nhanh trong đầu tháng 8/2024, trung bình 1 ngày tiếp nhận, điều phối xử lý khoảng 40 phản ánh chuyển đến ban, sở, ngành liên quan hoặc trả về đúng địa phương giải quyết.

Theo Văn phòng UBND TP Hà Nội, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện, hoàn thành đúng hạn. Cụ thể: Tháng 7 (1.441 PAKN trong đó 135 PAKN quả hạn chiếm 11,07%); trong 8 ngày đầu tháng 8 có 1.012 PAKN, chưa có PAKN nào quá hạn.

Ý kiến đánh giá PAKN của người dân về mức độ hài lòng, chấp nhận vẫn chiếm tỷ lệ ổn định khoảng 65,6%, mức độ chưa hài lòng chiếm tỷ lệ khoảng 34,4%. Rà soát kết quả số PAKN được người dân đánh giá chưa hài lòng, theo đánh giá khách quan có khoảng 10% trong số đó thực sự chưa đạt yêu cầu (Lý do hầu hết cung cấp nội dung kết quả xử lý người dân còn chung chung, chưa có hình ảnh hoặc văn bản chứng minh; hoặc quên không đánh câu trả lời).

Đến thời điểm hiện tại đã bổ sung 40 điểm camera giao thông trên ứng dụng iHanoi, dự kiến tuần sau sẽ hoàn thiện đọc mã Qrcode của thẻ căn cước công dân; hoàn thiện chức năng tiếp nhận sáng kiến Thủ đô (sẽ công khai sáng kiến); đưa ví điện tử vào phục vụ thanh toán trực tuyến; tạo mẫu đối với các trường hợp từ chối.

Tại tính năng Phản ánh hiện trường, hàng nghìn kiến nghị, phản ánh của người dân với nhiều lĩnh vực khác nhau đã được tới chính quyền, giúp chính quyền nắm bắt được những vấn đề của người dân và giải quyết, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên thành phố ngày một tốt hơn.

Bên cạnh đó, tại các mục phản ánh khác như: an ninh trật tự, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, giao thông, an toàn thực phẩm, cháy nổ, phòng chống tội phạm, dân sinh xã hội khác cũng ghi nhận hàng nghìn kiến nghị, phản ánh của người dân. Nhờ đó giúp chính quyền nắm bắt được những vấn đề của người dân và giải quyết một cách nhanh chóng.

Như vậy, sau gần hai tháng vận hành, ứng dụng iHanoi đã trở thành kênh kết nối hữu ích giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng cung cấp thông tin toàn diện, tạo kênh kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Riêng với những tính năng hữu ích, tiện lợi mà iHanoi đem lại cho người sử dụng, chắc chắn ứng dụng iHanoi sẽ được người dân Thủ đô tải, cài đặt và sử dụng; thông qua đó tiếp tục khẳng định Hà Nội là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Kết

Thực thi, tuân thủ pháp luật và lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật được chính quyền và người dân Hà Nội đã và đang thực hiện một cách tự nhiên và hào sảng nhất. Việc thực thi pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người Hà Nội hiện nay là một trong những biểu hiện của thị dân có tác phong công nghiệp. Nó là sự thích nghi và phù hợp yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tính cách hào hoa, thanh lịch. Và đặc biệt, làm tôn lên những phẩm cách của người Hà Nội đã gìn giữ bao đời nay…

Liên quan đến công tác chuyển đổi số, Thành phố Hà Nội đã đưa ra các ưu tiên sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới để bảo đảm việc thúc đẩy công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Theo đó, Thành phố sẽ nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, nắm chắc chính sách Pháp luật của Nhà nước; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo.

Trong đó, tập trung phân công, triển khai chiến lược, qui hoạch mạng lưới của ngành; quy trình, quy chế (đặc biệt là quy chế phối hợp liên thông); xây dựng đầy đủ đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức của các ngành lĩnh vực; tiếp tục thực hiện rà soát, đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền trong xử lý công việc gắn với cá thể hoá trách nhiệm nhất là trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ: Về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước và tăng cường, đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu tập trung, dữ liệu lớn, hướng tới theo thời gian thực.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm cá nhân, tính nêu gương, tính chủ động, đổi mới sáng tạo. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội” xử lý thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là không có tinh thần thái độ, tâm thế phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Kỳ 4: trợ giúp pháp lý hỗ trợ Nhân dân hiểu biết về pháp luật
Kỳ 3: Hòa giải ở cơ sở là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực
Kỳ 2: đưa các quy định của pháp luật đi vào quy chế, quy ước
Kỳ 1: Sự chung sức của cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công cuộc thực thi pháp luật
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động