Thứ sáu 24/01/2025 00:34
“Nhận diện tội phạm vi phạm phòng, chống dịch”

Kỳ cuối: Xét xử rút gọn vẫn đảm bảo tính thượng tôn pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, răn đe không phải là phạt nặng hay nhẹ mà đây là việc giải quyết nhanh chóng vụ án để làm gương cho việc phòng ngừa tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn cấp thiết…

Đòi hỏi cấp thiết

Liên quan đến các vụ án mà tội phạm vi phạm phòng, chống dịch được áp dụng thủ tục rút gọn, luật sư Phan Kế Hiền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, đây là đòi hỏi cấp thiết trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có dấu hiệu kéo dài, hoạt động tố tụng gặp nhiều trở ngại, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do đã quá thời hạn giải quyết.

Luật sư Phan Kế Hiền trao đổi với PV
Luật sư Phan Kế Hiền trao đổi với PV

Luật sư cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều cá nhân tổ chức có hành vi cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống Covid-19. Vì vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn là điều hết sức cần thiết để góp phần răn đe và phòng ngừa chung. Theo ông Hiền, người phạm tội liên quan đến việc phòng chống Covid-19 là việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; phạm tội ít nghiêm trọng; có lý lịch và nơi cư trú rõ ràng nên hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn theo Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Phân tích chi tiết về thủ tục xét xử rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư Hiền cho biết, việc áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ 4 điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Trình tự thủ tục rút gọn cũng bao gồm các bước như thủ tục tố tụng hình sự thông thường (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm), tuy nhiên thủ tục rút gọn quy định các thời hạn ngắn hơn so với thủ tục thông thường trong tố tụng hình sự. Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Thời hạn truy tố là trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án. Thời hạn quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án; trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định, TAND phải mở phiên tòa xét xử vụ án.

Tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc áp dụng xét xử theo thủ tục rút gọn không chỉ phát huy được ưu điểm là tính kịp thời, cấp bách mà còn giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan tiến hành tố tụng, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Tạo điều kiện để có thể huy động nhân lực và vật lực vào mặt trận chống dịch. Thêm vào đó, việc xét xử theo thủ tục rút gọn cũng đảm bảo được tính giáo dục và tính răn đe, làm gương cho các cá nhân, pháp nhân trong xã hội tuân thủ quy định phòng dịch, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.

Phụ nữ quận Đống Đa với mô hình Tổ tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch bằng loa kéo
Phụ nữ quận Đống Đa với mô hình Tổ tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch bằng loa kéo

Bên cạnh đó, việc xét xử kịp thời các vi phạm liên quan đến dịch Covid-19 còn giúp tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của mọi người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là biểu hiện sinh động nhất của hoạt động pháp lý luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với yêu cầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh chung của cả nước.

Đáng nói, để có thể xét xử các vụ án theo thủ tục rút gọn, các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán phải hết sức nỗ lực, chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành tiến độ tố tụng. Toàn bộ thời gian kể từ khi khởi tố vụ án đến khi kết thúc việc xét xử vẻn vẹn chỉ trong thời gian rất ngắn.

Có thể thấy, khi được xác định áp dụng thủ tục rút gọn, thời hạn tố tụng rất ngắn, nên các cơ quan tố tụng vẫn phải đảm bảo đúng trình tự thủ tục, đảm bảo quyền của bị cáo khi tham gia tố tụng, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Có thể phải đối mặt với án phạt tù 20 năm

Phó GĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 17 yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, loa kéo, loa trong các tòa nhà chung cư và các hình thức khác phù hợp như: thông báo trên bản tin thôn, tổ dân phố... một số quy định cần tuân thủ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các mức xử phạt vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Sở Tư pháp hướng dẫn những quy định về mức xử phạt 16 hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội và căn cứ pháp lý, trong đó, mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù tối đa 20 năm.

Ví như, người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng. Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh Covid-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng;

Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (mức phạt tù tối đa 7 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (mức phạt tù tối đa 7 năm)…

Trước đó, TAND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh đưa ra xét xử bị cáo Đào Xuân Anh, tội “Chống người thi hành công vụ”. Sau đó, Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình đã gửi thư khen TAND huyện Tiên Yên, đánh giá cao việc tổ chức phiên tòa trên theo thủ tục rút gọn đầu tiên trong cả nước xét xử hành vi vi phạm phát luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Chánh án TAND TC yêu cầu TAND các cấp trong cả nước học tập kinh nghiệm của TAND huyện Tiên Yên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Kỳ 4: Áp dụng thủ tục rút gọn… Kỳ 4: Áp dụng thủ tục rút gọn…

Thời gian qua, để kịp thời xét xử các đối tượng vi phạm phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan tố tụng đã áp dụng ...

Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động