Là bị cáo trong các vụ án hình sự vẫn có quyền bình đẳng trước tòa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị Nguyễn Thị H. (30 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) có hỏi:
Em trai tôi là bị cáo trong một vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử, gia đình tôi được phổ biến là em trai tôi có quyền bình đẳng trước tòa án. Vậy cho tôi hỏi, quyền bình đẳng trước tòa của em trai tôi được hiểu như thế nào?
Trả lời:
Giải đáp câu hỏi trên của chị Nguyễn Thị H., Luật sư Nguyễn Đông Khánh - Văn phòng LS Việt Quốc (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết:
Luật sư Nguyễn Đông Khánh - Văn phòng LS Việt Quốc (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước tòa án. Nhưng, không phải là những người trong hội đồng xét xử có quyền gì thì em trai chị cũng có quyền đó.
Quyền bình đẳng trước tòa án được quy định tại điều 19 - Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.
Bình đẳng trước tòa án là một nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án, những người đại diện hợp pháp của họ và người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án có ý nghĩa quan trọng để tìm ra sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Quyền bình đẳng trước tòa án còn là một nguyên tắc thể hiện những người tiến hành và tham gia tố tụng, về đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án đòi hỏi tòa án không chỉ tôn trọng các quyền của những người đó trong tố tụng, không thể coi trọng quyền của người này hơn quyền của người kia mà còn có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện những quyền đó nhất là phải đảm bảo cho bị cáo và người bào chữa không bị hạn chế trong việc trình bày trước tòa án mọi tình tiết của vụ án, các chứng cứ và lý lẽ để Hội đồng xét xử xem xét và trên cơ sở đó có những phán quyết công minh, đúng pháp luật.
Quyền bình đẳng trước tòa án còn là nguyên tắc khẳng định vị trí của tòa án là người trọng tài công minh giữa bên buộc tội (kiểm sát viên thực hành quyền công tố) và bên gỡ tội (bị cáo và luật sư bào chữa).
Trong xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng của mọi công dân trước tòa án là quyền có ý nghĩa nền tảng thể hiện ở việc những bên tham gia tố tụng đều phải giữ địa vị tố tụng bình đẳng, đều có quyền sử dụng các quyền bình đẳng và thực hiện nghĩa vụ như nhau.
Ngoài ra, Tại Điều 14 - Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên, khẳng định:
1. Mọi người đều bình đẳng trước các toà án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự. Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên toà vì lý do đạo đức, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hoặc vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên tham gia tố tụng, hoặc trong chừng mực cần thiết, theo ý kiến của toà án, trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xét xử công khai có thể làm phương hại đến lợi ích của công lý. Tuy nhiên mọi phán quyết trong vụ án hình sự hoặc vụ kiện dân sự phải được tuyên công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến những tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ trẻ em.
2. Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.
3. Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây:
a) Được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình;
b) Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn;
c) Được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý;
d) Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả;
e) Được thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên toà và thẩm vấn họ tại toà với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình;
f) Được có phiên dịch miễn phí nếu không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên toà;
g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.
4. Tố tụng áp dụng đối với những người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ.
5. Bất cứ người nào bị kết án là phạm tội đều có quyền yêu cầu toà án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp luật.
6. Khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định chung thẩm và sau đó bản án bị huỷ bỏ, hoặc người đó được tha trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan, thì người đã phải chịu hình phạt theo bản án trên, theo luật, có quyền yêu cầu được bồi thường, trừ trường hợp cơ quan tố tụng chứng minh rằng việc sự thật không được làm sáng tỏ tại thời điểm đó hoàn toàn hoặc một phần là do lỗi của người bị kết án gây ra.
7. Không ai bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng phạt lần thứ hai về cùng một tội phạm mà người đó đã bị kết án hoặc đã được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của mỗi nước.
Đức Hùng / PL&XH

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại