Lời khai của cựu Tổng Cục trưởng về số tiền nằm trong giỏ hoa quả
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên |
500 triệu nằm trong giỏ hoa quả
Ngày 13/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 bị cáo trong vụ án khai thác đất hiếm tại Yên Phú (Yên Bái).
Phiên toà tiếp tục phần xét hỏi. Trước đó, trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT khai nhận từ năm 2013, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ cấp phép khai thác mỏ đất hiếm đến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, dựa trên bộ hồ sơ đã từng nộp trước đó vào năm 2011.
"Lẽ ra, hồ sơ của doanh nghiệp phải được thẩm định lại, xem xét tất cả, nhưng vì lúc đó cấp dưới trình lên, thấy đầy đủ theo quy định nên bị cáo không kiểm tra, đọc dự thảo giấy phép thì ký tờ trình luôn", bị cáo Thuấn khai.
Trả lời HĐXX về mối quan hệ của mình với bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị cáo Thuấn cho biết mình chỉ biết bị cáo Huấn khi tham gia các cuộc họp để xem xét cấp pháp đối với mỏ đất Yên Phú. Bị cáo Thuấn khẳng định, bị cáo Huấn không gặp gỡ cũng không nhờ vả gì để được cấp phép và nói mình luôn làm việc theo quy định.
Về số tiền 500 triệu đã nhận của bị cáo Huấn, bị cáo Thuấn khai trước toà, sau khi Công ty Thái Dương được cấp phép, vào ngày 3/7/2013, ngày sinh nhật của bị cáo Thuấn, anh em văn phòng có tổ chức sinh nhật cho bị cáo. Hôm đó bị cáo Đoàn Văn Huấn có đến tham dự, đem đến một bó hoa và một túi hoa quả. Khi về, bị cáo Thuấn mở túi hoa quả ra thì thấy bên trong có phong bì 500 triệu đồng.
"Bị cáo giật mình, gọi lại cho bị cáo Huấn nhưng bị cáo Huấn không nghe máy sau đó bị cáo cũng bẵng đi…", cựu Tổng cục trưởng khai và cho biết đã nộp lại toàn bộ số tiền nêu trên.
Người trình hồ sơ này lên cho ông Thuấn là bị cáo Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Khoáng sản, cùng bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Khoa khai hồ sơ của Thái Dương nằm trong số rất nhiều hồ sơ tồn đọng được giao giải quyết khi ông lên làm vụ trưởng. Do đó, bản thân ông không theo dõi từ đầu.
Hồ sơ Thái Dương được bị cáo Lê Duy Phương trình lên và nói đã đủ điều kiện. Khi xem xét, ông Khoa thấy có vấn đề nhưng không theo từ đầu nên không đủ tự tin nói ra mà ký ngay.
![]() |
Thay đổi mã hàng xuất khẩu để không phải đóng thuế
Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến năm 2023, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã mua tổng số hơn 3,5 triệu kg quặng đất hiếm hàm lượng TREO 18 – 20% của Công ty Thái Dương. Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đất hiếm Việt Nam chỉ đạo nhân viên chế biến hơn 3,49 triệu kg trên tổng số hơn 3,5 triệu kg quặng đất hiếm đã mua. Quá trình chế biến đưa thêm một phần nguyên liệu Muối carbonate nhập từ Trung Quốc để nâng cao hàm lượng TREO. Kết quả, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã chế biến được tổng 482.000 kg tổng oxit đất hiếm hàm lượng TREO trên 95%.
Sau đó, Lưu Anh Tuấn đã chỉ đạo Đỗ Hạnh Hương, Phó Tổng giám đốc, Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Yến, nhân viên Công ty thực hiện thủ tục xuất khẩu 437.980 kg/482.000 kg cho các Công ty Alconix (Nhật Bản), Polyfer (Áo), Jiangsu (Trung Quốc) và Sumitomi (Nhật Bản), thông qua 63 tờ khai hải quan với tổng trị giá hơn 379 tỷ đồng. Quá trình xuất khẩu, các bị cáo Tuấn, Hương, Hậu, Yến đã thực hiện hành vi xuất khẩu khi không đủ điều kiện, khai báo sai mã hàng hoá, vi phạm quy định của pháp luật.
Quá trình thực hiện thủ tục hải quan để xuất khẩu từ năm 2019 đến năm 2023, Lưu Anh Tuấn đã chỉ đạo Đỗ Hạnh Hương, Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Yến thực hiện khai báo loại hình xuất khẩu là E62, là loại hành hoá xuất khẩu được sản xuất toàn bộ từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, mã hàng hoá là 2846.90.00 để hợp thức nguồn nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu nhập khẩu, lập báo cáo quyết toán hải quan không đúng nhằm che giấu số quặng đất hiếm đã mua của Công ty Thái Dương được đưa vào chế biến. Ngoài ra, Tuấn còn chỉ đạo Yến chỉnh sửa số liệu các hợp đồng, hoá đơn với báo cáo hải quan về số liệu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu.
Về hành vi bị cáo buộc buôn lậu, Chủ tịch Công ty đất hiếm Việt Nam Lưu Anh Tuấn thừa nhận cáo trạng nhưng cho rằng vẫn còn một số điều lấn cấn. Theo trình bày của bị cáo, các tờ khai hải quan điện tử phải khai báo chính xác, đây chính là bằng chứng thể hiện vi phạm của bị cáo. Nhưng bị cáo lại không hề vi phạm gì theo tờ khai.
Khai trước toà, bị cáo Đỗ Hạnh Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Đất hiếm Việt Nam cho biết trong quá trình làm việc, bị cáo được giao phụ trách mảng việc liên quan đến các đối tác nước ngoài. Bị cáo Hương cũng thừa nhận mình không được học về kế toán. Về các cuốn sổ tiết kiệm đứng tên mình mà thực chất là tiền của Công ty Đất hiếm Việt Nam gửi ở ngân hàng, bị cáo Hương cho biết sở dĩ như thế là vì bị cáo Tuấn có nhờ nhân viên phòng kế toán đứng tên sổ nhưng vì “các bạn ấy ngại” nên nhờ bị cáo Hương đứng tên.
Liên quan đến tội danh, bị cáo Hương thừa nhận những hành vi sai phạm của mình đúng như VKSND truy tố. Bị cáo cũng cho biết đã nộp cho cơ quan điều tra 20 cuốn sổ tiết kiệm và nộp khắc phục hơn 1,4 tỷ đồng.
Tương tự, bị cáo Phạm Xuân Hậu cho biết mình làm việc từ tháng 9/2017 – tháng 9/2019, đảm nhận công việc xuất nhập khẩu hàng hoá, trực tiếp mở những tờ khai.
Khai tại toà, bị cáo Hậu thừa nhận biết số hàng xuất khẩu đi nước ngoài là số hàng hoá công ty đã nhập từ Công ty Thái Dương. Tuy nhiên, bị cáo làm theo chỉ đạo của bị cáo Tuấn. Khi HĐXX hỏi bị cáo Tuấn chỉ đạo thế nào thì bị cáo Hậu trả lời không nhớ cụ thể, nhưng thông thường trước khi mở tờ khai 1 lô hàng thì lãnh đạo công ty đã làm việc, đàm phán hết với đối tác, công việc của bị cáo Hậu lúc đó chỉ là mở tờ khai để trình ký.
Bị cáo Hậu cũng thừa nhận tội danh của mình đúng như VKSND truy tố, tuy nhiên bị cáo này cho rằng bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi nên mong HĐXX xem xét.
Tương tự, bị cáo Phạm Thị Yến cũng thừa nhận những hành vi của mình đúng như VKSND đã truy tố. Tại toà, bị cáo này cho biết mình đã mở “rất nhiều” tờ khai nhưng do mình không có chuyên môn, nghiệp vụ nên không biết tờ khai áp sai mã loại hình xuất khẩu.
“Bị cáo làm theo chỉ đạo. Thời điểm anh Tuấn chỉ đạo, bị cáo không biết mình làm sai. Chỉ đến khi bị cơ quan điều tra bắt và cho đọc tài liệu bị cáo mới nhận thức được việc làm của mình”, bị cáo Yến trả lời trước toà.
Theo cơ quan công tố, các bị cáo Đỗ Hạnh Hương, Phạm Xuân Hậu, Phạm Thị Yến với vai trò, nhiệm vụ khác nhau đã thực hiện các hành vi giúp sức cho Lưu Anh Tuấn trong việc xuất khẩu trái pháp luật 207.750 kg tổng oxit đất hiếm, trị giá 226.319.221.250 đồng; Phạm Xuân Hậu giúp sức cho Lưu Anh Tuấn trong việc xuất khẩu trái pháp luật 3.200 kg tổng oxit đất hiếm, trị giá 1.227.526.320 đồng; Phạm Thị Yến giúp sức cho Lưu Anh Tuấn trong việc xuất khẩu trái pháp luật 449.150kg tổng oxit đất hiếm, trị giá 369.613.210.378 đồng.
Hà Nội: mua pháo về chơi Tết, chưa kịp dùng đã "mất tất" | |
Bắt 356 đối tượng đánh bạc trong ngày mùng 4 Tết |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại