Thứ năm 23/01/2025 20:18
Cổ đông khởi kiện công ty Bia Hà Nội - Thanh Hóa:

Lý do Công ty Bia Hà Nội - Thanh Hóa kháng cáo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đến thời điểm hiện tại, cổ đông Lê Anh Tuấn vẫn chưa được tra cứu, trích lục các thông tin, tài liệu, hồ sơ theo phán quyết của tòa án do Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc kháng cáo chỉ là động tác “câu giờ” để doanh nghiệp này tiến hành đại hội cổ đông cho êm xuôi?
Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hoá bị cổ đông kiện ra toà
Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa bị cổ đông kiện ra tòa.

Lập lờ bí mật kinh doanh

Như Pháp luật & xã hội đã thông tin, ngày 20/3/2023, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên: Buộc Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa phải đảm bảo cho cổ đông Lê Anh Tuấn được xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin, tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu. Cung cấp các báo cáo về công tác khen thưởng, kỷ luật trong việc sử dụng điện, than. Buộc Ban kiểm soát Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa cung cấp toàn bộ các thông tin dưới đây theo yêu cầu của cổ đông:

Cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư nồi hơi và dự án đầu tư hệ thống cylo nguyên liệu; cung cấp thông tin liên quan đến dự án hệ thống thu hồi CO2; cung cấp toàn bộ thông tin kiểm tra, đánh giá công tác nhập gạo phục vụ sản xuất - kinh doanh các năm 2018, 2019, 2020, 8 tháng đầu năm 2021; cung cấp Quyết định số 11/QĐ-THB ngày 22/2/2021 của Giám đốc Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa về việc phê duyệt E-HSMT gói thầu “Cung cấp và lắp đặt Hệ thống silo chứa malt, gạo”; cung cấp Quyết định số 31/QĐ-THB ngày 1/4/2021 của Giám đốc Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Cung cấp và lắp đặt Hệ thống silo chứa malt, gạo”.

Trước đó, trong thời gian gần 2 năm, với tư cách là cổ đông lớn, sở hữu 6,91% vốn điều lệ, ông Lê Anh Tuấn (trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đã nhiều lần gửi phiếu yêu cầu được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Tuấn không được đáp ứng, hoặc không đáp ứng không đầy đủ, buộc ông phải đưa vụ việc ra tòa.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị đơn cho rằng, các yêu cầu của ông Tuấn thuộc phạm vi bí mật doanh nghiệp nên theo điều lệ Công ty, ông không được sao chụp, trích lục mà chỉ được xem tại Công ty. Điều này theo nguyên đơn là trái quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của công ty. Bởi lẽ: Điều lệ Công ty, Quy chế hoạt động nội bộ của Công ty bia Hà Nội - Thanh Hóa không có bất kỳ quy định nào quy định về các loại tài liệu là bí mật kinh doanh, bí mật thương mại mà cổ đông chiếm trên 5% tổng số cổ phần không được quyền xem xét, tra cứu và trích lục.

Theo quy định tại Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Tuy nhiên, các tài liệu mà nguyên đơn đề nghị Công ty cổ phần bia Hà Nội - Thanh Hóa cung cấp đều là các tài liệu liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đã được bộc lộ và sử dụng trong hoạt động kinh doanh thường nhật của Công ty trong thời gian dài, không phải là các thông tin khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, không phải là hiểu biết thông thường,… và trường hợp bị lộ sẽ không làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp.

Với tư cách là cổ đông sở hữu 790.000 cổ phần phổ thông, tương ứng với 6.91% tổng số cổ phần, do đó, nguyên đơn có các quyền riêng được quy định tại Khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp, Điều 11, 12 Điều lệ Công ty, Điều 5 Quy chế nội bộ của Công ty.

Tại phiên sơ thẩm, tòa án nhận định: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020; điểm c khoản 3 Điều 11 Điều lệ; Điều 5 Quy chế nội bộ về quản trị công ty của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa, ông Lê Anh Tuấn là cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa nên ông Tuấn có quyền xem xét, tra cứu, trích lục các tài liệu liên các hoạt động của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty.

Người đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa căn cứ vào Nội quy lao động của Công ty để xác định các tài liệu ông Tuấn yêu cầu là bí mật kinh doanh, công nghệ của Công ty nên không thể cung cấp theo yêu cầu của ông Tuấn.

Nhưng tại Điều 3 Nội quy lao động quy định đối tượng áp dụng là toàn thể cán bộ công nhân viên có tên trong danh sách lao động của Công ty, tuy nhiên ông Tuấn là cổ đông, không ký hợp đồng lao động với Công ty, không có tên trong danh sách lao động của Công ty nên không thuộc đối tượng bị áp dụng Nội quy lao động của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa; ngoài ra, bị đơn không xuất trình tài liệu gì khác liên quan đến quy định về bí mật kinh doanh, công nghệ của Công ty.

Như vậy, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa chưa thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty, Quy chế nội bộ về quản trị Công ty, nên ông Lê Anh Tuấn là cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa chưa thực hiện được đầy đủ quyền của cổ đông quy định trong Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty, Quy chế nội bộ về quản trị Công ty. Do đó, các nội dung ông Lê Anh Tuấn khởi kiện, yêu cầu đối với Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa là có căn cứ nên được chấp nhận.

Trên cơ sở nhận định trên, tòa án buộc Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa phải đảm bảo cho cổ đông Lê Anh Tuấn được xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin, tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu.

Kháng cáo toàn bộ bản án

Sau khi bản án có hiệu lực, cổ đông Lê Anh Tuấn vẫn không thể xem, sao chép, trích lục các hồ sơ, tài liệu theo phán quyết của tòa án. Lý do là ngay sau đó, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa đã có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm số 02/ 2023/KDTM-ST ngày 20/3/2023. Lý do kháng cáo được đưa ra là bản án sơ thẩm thiếu khách quan, không công bằng, không phù hợp với pháp luật; giải quyết chưa đầy đủ, toàn diện những tình tiết nội dung của vụ án, đặc biệt là không xem xét đầy đủ, toàn diện trong việc đánh giá chứng cứ.

Là một trong những luật sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn, luật sư Nguyễn Thu Huệ - Công ty Luật TNHH Ninh Hoàng Gia cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa đã xem xét toàn bộ chứng cứ, tình tiết trong vụ án và đưa ra phán quyết khách quan, chính xác, giải quyết toàn diện nội dung của vụ án. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quyền kháng cáo là quyền của đương sự, do đó, việc Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là quyền của bị đơn.

Đối với việc Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa kháng cáo toàn bộ nội dung của bản án, luật sư Huệ nhận định: Công ty mới chỉ kháng cáo chung đối với toàn bộ bản án mà chưa viện dẫn các căn cứ pháp lý để chứng minh cho quan điểm kháng cáo, do đó, chúng tôi nhận thấy kháng cáo của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa là không có căn cứ.

“Như tôi đã nói, quyền kháng cáo là quyền theo luật định của bị đơn, tuy nhiên để Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo thì Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa cần phải đưa ra đầy đủ căn cứ pháp lý. Ngược lại, nếu họ không đưa ra được căn cứ pháp lý để phủ nhận lại quan điểm của bản án sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ không chấp nhận kháng cáo của bị đơn”, luật sư Nguyễn Thu Huệ phân tích.

Công ty CP Bia Hà Nội – Thanh Hóa đã kháng cáo bản án sơ thẩm
Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa đã kháng cáo bản án sơ thẩm.
PL&XH đã thành công khi trở thành cầu nối với người dân
Chờ Công ty Phú Quang tự khắc phục sai phạm đến bao giờ?
Nhà thầu hay người dân dùng đất đỏ để “vá đường nhựa”?
Cổ đông khởi kiện công ty Bia Hà Nội – Thanh Hóa ra tòa
Huy Hoàng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động