Mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNăm 2020, đạt mục tiêu kép chống dịch COVID–19 và giữ được tăng trưởng kinh tế. Trong 2020, Việt Nam đã tận dụng tối ưu các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, bối cảnh COVID–19. Được biết, hội nghị chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020 - Ehealth Vietnam Summit sẽ diễn ra ngày 29 và 30-12 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long, có thể nói rằng, mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn và tạo ra được nhiều tiện ích trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngành y tế đã thực hiện triển khai một loạt chương trình, kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành y tế. Hội nghị với mục đích triển khai Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22-12-2020 của Bộ Y tế về Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để thực hiện thành công Chương trình chuyển số y tế; Định hướng các cộng đồng doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số y tế có hiệu quả; Tăng cường truyền thông về mục đích và ý nghĩa của chuyển đổi số y tế, góp phần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và toàn ngành y tế về chuyển đổi số.
PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế phát biểu tại họp báo |
Tại buổi họp báo, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, y tế là một trong những ngành đầu tiên thực hiện chuyển đổi số. Trong thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn. Chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D… dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
Mục tiêu đến năm 2025 của Chương trình chuyển đổi số y tế là 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Đến thời điểm này, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, trong đó có 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Cùng với đó, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nói về ứng dụng số, trong năm qua ngành y tế đã có bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID-19.
Trên cơ sở đánh giá tác động của chuyển đổi số tới ngành y tế và hiện trạng chuyển đổi số của ngành, trong Chương trình chuyển đổi số ngành y tế, Bộ Y tế xác định: “Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, khám bệnh từ xa cho người dân đối với những bệnh nguy hiểm”.
Cục trưởng cục công nghệ thông tin cho biết, mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới, phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.
Về thống kê y tế điện tử, hiện nay, ngành y tế đã xây dựng thống kê y tế điện tử trên 36 tỉnh, thành phố. Trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để triển khai ứng dụng công nghệ số vào ngành y tế một cách thiết thực nhất cho người dân cả nước sử dụng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại