Thứ năm 23/01/2025 20:13

Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba, nhà đầu tư lớn nhất, nguồn cung ODA lớn thứ hai và là thị trường lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Hai nước đang xem xét nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược lên tầm cao mới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc tại Thanh Hóa chiều ngày 25-3
Các đại biểu tham dự Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc tại Thanh Hóa chiều 25-3

Chiều 25-3, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra tại khu Hội nghị quốc tế FLC, TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Ngoại giao và Đại Sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã tổ chức chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022”.

Thông tin từ hội nghị cho hay, tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 74,1 tỷ USD năm 2021. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.100 dự án. Theo thống kê, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu, trong đó hơn 1/2 là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của 1 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc là Samsung Việt Nam.

Các đại biểu tha gia phiên thảo luận tại sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc

Điều hành phiên thảo luận với chủ đề: Hợp tác đầu tư và thương mại, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Trong thời điểm khó khăn, tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau ngày càng được thể hiện rõ. Covid-19 là một phép thử quan trọng đối với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược của hai nước. Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng nhau ứng phó tốt với dịch bệnh, hướng tới mục tiêu phục hồi và tăng trưởng toàn diện.

Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Văn Chung đánh giá các dự án của Hàn Quốc thường có quy mô lớn, tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn những hạn chế như khả năng liên kết giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp trong nước chưa đạt như kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ; hạ tầng giao thông và hạ tầng KCN của Việt Nam cũng là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc; Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao…

Ông Vũ Văn Chung đề xuất giải pháp để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó chú trọng ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao; kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số; năng lượng sạch, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao; các khu công nghiệp xanh. Hai nước cũng sẽ phối hợp đẩy mạnh liên kết kinh tế trong khu vực, phát huy hiệu quả của Hiệp định VKFTA, đưa Hiệp định RCEP đi vào triển khai hiệu quả.

Đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, ông Choi Jungho, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhiệt điện Nghi Sơn 2 chia sẻ, trong giai đoạn xây dựng nhà máy, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đường dây chuyền tải chậm tiến độ. Mặc dù không phải là vấn đề của địa phương nhưng tỉnh đã đứng ra giải thích, thuyết phục các địa phương lân cận. Nhờ đó EVN đã hoàn thành Dự án xây dựng đường dây chuyền tải sớm hơn kế hoạch. Hơn thế nữa trong đại dịch Covid-19, tỉnh Thanh Hóa đã có những chỉ đạo sát sao và kịp thời giúp cho dự án Nghi Sơn 2 không bị ảnh hưởng tiến độ xây dựng.

“Cá nhân tôi đã theo dự án này từ thời điểm chuẩn bị đấu thầu năm 2010, tính đến nay là 12 năm gắn bó với dự án, nên tôi rõ hơn ai hết nỗ lực và hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa đối với nhà đầu tư và dự án này. Xin gửi lời cám ơn chân thành nhất đến Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh thì sẽ không có dự án ngày hôm nay” - ông Choi nói.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, Đỗ Trọng Hưng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh

Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” tại TP Sầm Sơn và mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc với Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Hàn Quốc về xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển về giáo dục, y tế, nguồn nhân lực, thị trường lao động, tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc trong các lĩnh vực quản lý hành chính công, y tế, giáo dục đào tạo, phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Hàn Quốc...

“Tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế chất lượng cao; phát triển hạ tầng, đô thị và nguồn lao động; đầu tư vào 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh là TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thạch Thành - Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng…”, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cam kết.

Huy Hoàng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động