Thứ sáu 24/01/2025 12:34

Ngô Thanh Vân: Giấc mộng, thực tại và những nỗ lực hiện thực hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số phim của Việt Nam dự kiến khởi chiếu trong năm 2020 sẽ phải dời lịch sang năm 2021, trong đó có hai bộ phim rất được mong chờ của Ngô Thanh Vân là “Thanh Sói” và “Trạng Tí”. Ngô Thanh Vân trong nỗ lực sản xuất phim điện ảnh của mình vẫn dành sự ưu tiên cho những kịch bản thuần Việt, hoặc mang hồn cốt Việt. Cô từng mong muốn xây dựng “Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam”. Và những bước đi trong hiện tại đang là nỗ lực hiện thực mong muốn ấy.

Tham vọng với nguồn cảm hứng về văn hóa dân tộc

Ngô Thanh Vân từng khẳng định: “Kho tàng truyện cổ tích nước ta là vô giá, chất liệu văn hóa của Việt Nam còn nhiều, vậy tại sao ta lại phải sử dụng từ nước ngoài các kịch bản remake?”. Tất nhiên, kho tàng truyện Việt phong phú, nhưng mong muốn đưa được những truyện đó lên phim không dễ dàng gì. Vì vậy, khi Ngô Thanh Vân bày tỏ ý định này, rất nhiều người đã nghĩ rằng “đả nữ” có phần tham vọng.

Mới đây, trong vai trò của một nhà sản xuất, Ngô Thanh Vân công bố dự án “Lê Nhật Lan” - phim về nữ anh hùng của Việt Nam, chuyển thể từ truyện tranh nổi tiếng “Long thần tướng” của nhóm Phong Dương Comics. Ngô Thanh Vân cho biết, đây là dự án quan trọng, được ê-kíp làm việc trong hơn một năm qua. Phim “Lê Nhật Lan” sẽ ra mắt sau dự án siêu anh hùng nam giới của Việt Nam – “Vinaman” (2022).

“Long thần tướng” (tên tiếng Anh “Holy Dragon Imperator”) là tác phẩm truyện tranh gốc Việt nổi tiếng của nhóm Phong Dương Comics gồm biên kịch Nguyễn Khánh Dương, họa sĩ Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Mỹ Anh. Năm 2016, “Long thần tướng” được Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao giải bạc của International Manga Award lần thứ 9. Đây là một trong những giải thưởng truyện tranh uy tín trên thế giới.

Về lý do chọn “Lê Nhật Lan” làm nhân vật chính của bộ phim chuyển thể thay vì nhân vật “Long thần tướng”, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Đây cũng là mong muốn của toàn thể ê-kíp. Sau khi tạo nên người hùng cho các bé trai, chúng tôi muốn tạo nên nữ anh hùng cho các bé gái. Trong truyện tranh, Lê Nhật Lan là một cô gái rất mạnh mẽ, đại diện cho thế hệ nữ mới đứng lên. Nhân vật cũng dựa trên một cô công chúa có thật vào năm 1284. Trong phim “Lê Nhật Lan” sẽ có nhân vật Trần Hưng Đạo, một hình tượng rất lớn. Chúng tôi sẽ tạo nên câu chuyện tổng thể để nói về một thời đại quan trọng trong lịch sử Việt Nam”.

Về gốc gác nhân vật Lê Nhật Lan, biên kịch Nguyễn Khánh Dương cho biết: “Chúng tôi lấy cảm hứng từ một chi tiết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý giảm bớt tai họa cho nước vậy”. Một dòng rất ngắn ngủi nhưng chứa đựng nội dung rất hấp dẫn. Chúng tôi tin có thể khai thác về nhân vật này”.

Từ những bước đi đầu tiên cho phong cách làm phim lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân gian, lịch sử của Việt Nam, bắt đầu bằng “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, Ngô Thanh Vân đang dần khẳng định thái độ nghiêm túc, sự chỉn chu trên con đường thực hiện phim đậm màu sắc Việt Nam, tạo nền tảng cho các dự án phim về sau đó, mà nối tiếp là “Cô Ba Sài Gòn” và tác phẩm được mong chờ trong khoảng đầu năm 2021: “Trạng Tí”.

Thành công về nghệ thuật cũng như doanh thu của các tác phẩm mà Ngô Thanh Vân đã sản xuất là cơ sở giúp người xem đặt kì vọng vào những bước tiến tiếp theo trên con đường tạo nên “Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam”.

ngo thanh van giac mong thuc tai va nhung no luc hien thuc hoa
Ngô Thanh Vân tiếp tục công bố những dự án sắp tới với mong muốn đưa những tích truyện, nhưng nhân vật lịch sử Việt lên phim. Ảnh tư liệu

Lên kế hoạch dài hơi nhưng vẫn cần… kịch bản

Ngô Thanh Vân cũng không giấu kế hoạch trong 5 năm tới của mình bằng nhiều mục tiêu dài hạn. Hiện tại, Ngô Thanh Vân đã lên lịch cho các bộ phim nhiều thể loại như fantasy, comedy, romantic,…, đặc biệt là tác phẩm điện ảnh khai thác từ truyện cổ tích như “Thạch Sanh, Thánh Gióng, Thằng Bờm, Sơn Tinh Thủy Tinh”, hay những cái tên quen thuộc ở tuổi thơ mỗi người: “Ông Kẹ”. Các câu chuyện trên sẽ được khai thác theo góc nhìn tương tự “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, thổi hơi thở mới vào truyện cổ tích mà mỗi người Việt đều nằm lòng…

Ấp ủ xây dựng những bộ phim mang hồn cốt Việt đúng như nhận xét là… tham vọng không dễ gì thực hiện, nhưng phân tích kỹ vẫn là một hướng đi thông minh của Ngô Thanh Vân. Trước hết, những tác phẩm đó gần gũi – khi gắn với đông đảo người Việt. Sau đó, những tác phẩm ấy sẽ gây tò mò về việc sẽ có gì mới. Sau nữa, đó là những tác phẩm đã có một cốt truyện “gốc” rất hay, nhiều ý nghĩa, chỉ có điều, phải hiện thực hóa thành phim ra sao mà thôi.

Và vì vậy, hướng đi, kế hoạch đã có, cái nhà sản xuất cần nhất là kịch bản chuyển thể nhuần nhuyễn, hiệu quả - khâu mà điện ảnh Việt lâu nay vẫn thiếu và yếu. Cũng chính vì yếu và thiếu nên trào lưu làm phim remake (phim làm lại) vẫn chưa có dấu hiệu chững lại trong mấy năm gần đây. Đúng là kho tàng truyện từ dân gian và những sáng tác đậm chất Việt chúng ta không thiếu, nhưng truyện hay chưa đảm bảo cho kịch bản hay nếu người chuyển thể không cân nhắc đến ngôn ngữ và sự thể hiện bằng hình ảnh. Với phim của Ngô Thanh Vân, kể cả theo thể loại nào, khán giả cũng nhận ra rằng cảnh hành động, thước phim, chuyển động, bối cảnh rất đẹp mắt, tuy nhiên, yếu tố kịch bản chưa thật thỏa mãn. Ngay cả với bộ phim đang giữ vị trí số 1 về doanh thu phim Việt hiện nay là “Hai Phượng” (hơn 200 tỷ đồng) cũng có ý kiến cho rằng: Kịch bản dài dòng và khá đơn điệu.

Ngô Thanh Vân đang hiện thực hóa giấc mộng của mình bằng rất nhiều kế hoạch dài hơi và tỉ mỉ. Tất nhiên, khán giả yêu điện ảnh trong nước luôn mong chờ và ủng hộ kế hoạch đó, vì hơn cả những con số doanh thu, người xem chờ đợi những điều gần gũi, gắn bó với mình được chuyển thể lên ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo, quan trọng hơn cả là sản phẩm đó mang tinh thần, mang văn hóa, hồn cốt của người Việt.

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động