Người nhạc sĩ tài hoa đã “Xa khơi”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChân dung cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ảnh tư liệu |
“Gieo mầm” làn điệu dân ca
Trong sự nghiệp âm nhạc, cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (1936 – 2022) công bố khoảng 18 bài hát nhưng mỗi tác phẩm là một dấu ấn riêng, chất chứa tình cảm da diết của một người nhạc sĩ nặng lòng với tình khúc dân ca, ví giặm. Các tác phẩm nổi tiếng như: "Xa khơi", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", "Mùa xuân gọi bạn", "Mơ quê", "Suối Mường Hum còn chảy mãi”,… để lại nhiều dấu ấn với khán - thính giả.
Tròn 60 năm ca khúc “Xa khơi” ra đời, với sự thể hiện thành công của cố ca sĩ Tân Nhân đến nay bài hát vẫn sống mãi trong lòng khán giả. Chỗ đứng của “Xa khơi” còn được kể tới là ca khúc kinh điển của thanh nhạc cách mạng Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, ca khúc “Xa khơi” ra đời trong cuộc thi vận động sáng tác “Tiếng trống Đồng khởi Miền Nam”. Trước đó, năm 1956-1957, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có thời gian đi thực tế ở ở Vĩnh Linh. Hoàn cảnh đất nước chia cắt hai miền Bắc – Nam, những câu chuyện được chứng kiến khi sống ở bên bờ sông Bến Hải khơi gợi cho nhạc sĩ giai điệu nhạc đầu tiên.
Đến năm 1962, ca khúc được hoàn thiện và được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng ca thể hiện của cố ca sĩ Tân Nhân. Bài hát thể hiện khát vọng thống nhất đất nước, thế nhưng lúc đầu bài hát từng bị “loại” vì lời ca không nhắc tới chiến tranh bom đạn và ý chí tiến công. Nhờ câu ca ví giặm, trữ tình với thể hiện ngọt ngào của cố ca sĩ Tân Nhân đã chinh phục thính giả. Nhờ đề cử của thính giả, ca khúc đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) năm đó.
Ca khúc đi cùng năm tháng
Nếu “Xa khơi” đậm chất câu hò ví giặm, da diết dân ca xứ Nghệ thì “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” là giai điệu ngọt ngào của nghệ thuật hát Then-đàn Tính, những điệu Sli-lượn của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” cũng chính là một trong những bài hát hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày ấy, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tuổi đời đôi mươi, chưa một lần đặt chân đến Cao Bằng, đến Pác Bó nhưng nhờ sự động viên của NSND Quốc Hương ông đã tìm tòi chất liệu để viết bài hát. Nhân một chuyến công tác lên tỉnh phía Bắc, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã tìm hiểu sách báo viết về chiến khu Việt Bắc, sưu tầm tài liệu về Bác. Ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” ra đời năm 1959 đúng dịp 70 năm ngày sinh nhật Bác (19-5-1890 - 19-5-1959).
Trước niềm tiếc thương về nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Đinh Thành Lê viết lời tiễn biệt: “Biển lặng sóng thuyền em dong khơi, khoan giọng hò thương anh cách vời... Những giai điệu đẹp đẽ và ấm áp của ca khúc “Xa khơi” như in đậm mãi vào tâm trí của cháu. Cháu từng được bác chỉ dạy rất nhiều trong ca khúc kinh điển của âm nhạc Việt Nam. Một khuôn mặt hồn hậu, trái tim yêu nhạc và cả một đời cống hiến cho âm nhạc”.
Sự nghiệp âm nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm đều có dấu ấn và sức nặng riêng. Cũng giống như cuộc đời ông, một nhạc sĩ giản dị, tài hoa, tỏa nắng giữa đời.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15-5-1936 tại xã Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với những cống hiến của mình cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt I (2001), Huân chương Lao động hạng nhì; được trao Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ VH,TT&DL. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại