Người tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có hiến máu được không?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTS-BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: Máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Việc đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu, là giải pháp quyết định để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho người bệnh do lây nhiễm các mầm bệnh.
Theo đó, hiến máu thường xuyên là người đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu.
“Những người hiến máu thường xuyên luôn có ý thức giữ sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất”, TS. Bạch Quốc Khánh bày
|
Vậy đối với những người tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi muốn tham gia hiến máu thường xuyên có bị giảm hiệu quả của vắc-xin hay không? Sau thời gian bao lâu có thể hiến máu trở lại?
BS chuyên khoa 2 Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết: Các nghiên cứu hiện có chưa cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc hiến máu có thể làm giảm hiệu quả của tiêm bất cứ loại vắc-xin nào bao gồm vắc-xin phòng chống Covid-19 đối với cơ thể người được tiêm phòng, cũng như việc được truyền máu từ người đã được tiêm vắc-xin Covid-19 không nhận thấy có ảnh hưởng bất lợi nào ở người bệnh nhận máu.
Cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Dịch vụ Truyền máu Canada đều đưa ra lý giải cho khẳng định này.
Khi cơ thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc được tiêm vắc-xin chống virus này, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra các tế bào bạch cầu lympho T và các kháng thể đặc biệt, có khả năng ghi nhớ để chiến đấu với tác nhân gây bệnh Covid-19 nếu bị chúng tấn công trong tương lai. Các tế bào có khả năng đáp ứng miễn dịch này được lưu giữ trong máu và một số cơ quan khác như gan, lách, hạch.
Chỉ một lượng rất nhỏ các tế bào bạch cầu được lấy đi trong quá trình hiến máu, không làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, không làm mất đi các kháng thể được hình thành trong quá trình đáp ứng với vắc-xin. Việc hiến máu không hề loại bỏ vắc-xin khỏi cơ thể.
Về khả năng người nhận máu tăng miễn dịch nếu được nhận máu từ người đã tiêm vắc-xin Covid-19, BS. Phạm Tuấn Dương thông tin, theo nghiên cứu của chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Northwestern (Hoa Kỳ), khi truyền máu, cơ thể người bệnh có thể được nhận một lượng nhỏ kháng thể chống lại virus từ máu của người hiến đã được tiêm vắc-xin hoặc đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, lượng kháng thể này là quá nhỏ để có thể tạo ra sự khác biệt; do đó không thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 ở người bệnh được nhận máu.
Bên cạnh đó, đối với người tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng không cần trì hoãn việc hiến máu. Theo hướng dẫn ngày 19-1 của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), những người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu họ cảm thấy hoàn toàn khoẻ mạnh, không có các phản ứng sau khi tiêm hoặc không có các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì không cần trì hoãn hiến máu.
Việc hiến máu không làm giảm hiệu quả của tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (ảnh: V.H) |
Một số trường hợp sẽ được trì hoãn hiến máu trong thời gian ngắn sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, phụ thuộc vào hãng sản xuất và loại vắc-xin. Khi đó, những người đến đăng ký hiến máu cần cung cấp tên nhà sản xuất vắc-xin.
Cụ thể, những người được tiêm vắc-xin Covid-19 không sao chép, bất hoạt hoặc dựa trên RNA của các hãng AstraZeneca, Janssen/J&J, Moderna, Novavax hoặc Pfizer thì có thể hiến máu sau khi tiêm vắc-xin.
Những người được nhận vắc-xin sống giảm độc lực hoặc không biết chính xác loại vắc-xin sẽ phải chờ 2 tuần hoặc lâu hơn mới có thể hiến máu, tùy vào quyết định của từng ngân hàng máu.
Tuy nhiên, FDA vẫn đưa ra khuyến cáo là cần trì hoãn hiến máu 14 ngày đối với những nhóm người có nguy cơ với các triệu chứng mắc Covid-19 hoặc mắc Covid-19 kể từ thời điểm không còn triệu chứng hoặc không còn nhiễm virus SARS-CoV-2.
Việc trì hoãn chỉ nhằm để đảm bảo sức khỏe người hiến máu được tốt nhất khi hiến máu, không còn sốt nhẹ (phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc-xin) và tránh cho người hiến máu gặp phải một số phản ứng không mong muốn trong hoặc ngay sau khi hiến máu như choáng, ngất nếu họ không khỏe.
Còn tại Việt Nam, theo BS. Chuyên khoa 2 Phạm Tuấn Dương thông tin, theo quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BYT Hướng dẫn hoạt động truyền máu của Bộ Y tế, sau khi tiêm vắc-xin 7 ngày thì có thể tham gia hiến máu (trừ vắc-xin phòng bệnh dại, rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu, BCG cần phải trì hoãn hiến máu từ 4 tuần đến 12 tháng).
Tuy nhiên, người hiến máu cần đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và tuân thủ các quy định khai báo y tế để đảm bảo thật sự khỏe mạnh, an toàn, không có các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi tham gia hiến máu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại