Thứ năm 23/01/2025 20:10

Nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp nói gì sau kết luận thanh tra?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Xung quanh kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đồng Nai về Dự án khu nhà tập thế Nhà máy Dệt Thống Nhất (thuộc P.Tân Biên, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), sau nhiều lần liên lạc, PV báo PL&XH đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Sáng- nguyên GĐ Sở Công nghiệp thời kỳ 1994-2003, nay là GĐ Sở KH&CN...

-PV: Thưa ông, vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai vừa kết luận số 5117/KL-UBND tỉnh về việc thanh tra, xác định sai phạm trong Dự án Nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất, xin ông cho biết thêm xuất xứ của dự án và lý do vì sao trong giai đoạn chuẩn bị không có quy định tiêu chuẩn, đối tượng xét duyệt giao nhà, đất trong dự án?

- Ông Phạm Văn Sáng: Khi Nhà máy Dệt Thống Nhất giải thể, Sở Công nghiệp có văn bản xin bàn giao Khu tập thể cho Cty KD Nhà của tỉnh. Cty KD Nhà có văn bản từ chối tiếp nhận khu đất của Nhà máy Dệt Thống Nhất vì nguồn gốc tài sản mua bằng quỹ phúc lợi, không phải của Nhà nước. Với tinh thần trách nhiệm đối với quyền lợi của công nhân viên Nhà máy Dệt Thống Nhất, Ban cán sự Đảng - Sở Công nghiệp bàn bạc, thống nhất giao việc này cho Công đoàn Sở Công nghiệp thực hiện thông qua việc thành lập BQL Khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất gồm các thành viên là lãnh đạo Công đoàn Sở và Công đoàn Nhà máy Dệt Thống Nhất.

Do BQL Khu tập thể không có pháp nhân nên tham mưu cho Sở có văn bản xin UBND tỉnh chấp thuận cho Sở Công nghiệp giao đất cho cán bộ công nhân viên nhà máy dệt Thống Nhất để làm nhà ở. Thông tin trên các phương tiện truyền thông, khi xét duyệt giao nhà, đất trong dự án không có quy định tiêu chuẩn, đối tượng là không đúng với nội dung kết luận Thanh tra: “Ông Võ Văn Tỉnh và ông Phạm Văn Sáng không cung cấp được văn bản quy định tiêu chuẩn xét duyệt, biên bản xét duyệt đối với những trường hợp được giao đất của dự án”.

Để thực hiện việc xét duyệt giao đất đúng đối tượng, BQL Khu tập thể đã tham mưu trình Giám đốc Sở phê duyệt Quy định tiêu chuẩn xét duyệt cấp đất, cấp nhà cho công nhân viên (CNV) Nhà máy Dệt Thống Nhất. Trước khi trình xin cấp đất, Sở Công nghiệp đã trình xin phê duyệt trước danh sách kèm theo hồ sơ xin cấp đất của từng người và UBND tỉnh có Văn bản số 4166/UBT ngày 18/10/2000 phê duyệt danh sách được cấp đất.

Trong Văn bản số 3556/TTr-ĐC-ND ngày 6/6/2002, Sở Địa chính Nhà đất đã nhận xét: “115 hộ cán bộ nhân viên được Sở Công nghiệp xét duyệt và đề nghị giao đất ở đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định”. Như vậy, nếu không có quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và biên bản xét duyệt thì UBND tỉnh không có căn cứ ban hành Văn bản số 4166/UBT ngày 18/10/2000 và Sở Địa chính Nhà đất không có căn cứ để nhận xét như trên trong Văn bản số 3556/TTr-ĐC-ND.

Việc tôi không cung cấp được văn bản quy định tiêu chuẩn xét duyệt, biên bản xét duyệt đối với những trường hợp được giao đất của dự án là do tôi đã chuyển công tác gần 20 năm, khi chuyển công tác tôi không mang theo bản quy định này.

- PV: Trong giai đoạn chuẩn bị ông đã ban hành quyết định cấp nhà, cấp đất trước khi UBND tỉnh phê duyệt thực hiện dự án là không đúng thẩm quyền.

- Ông Phạm Văn Sáng: Nội dung trên được Sở Địa chính đề cập trong Báo cáo số 518/CV-DC ngày 3/9/1997 gửi UBND tỉnh: “Việc Sở Công nghiệp ký quyết định tạm giao đất cho các hộ cán bộ công nhân viên làm nhà ở là chưa đúng thẩm quyền.”.

Trên các phương tiện truyền thông đã bỏ mất chữ “tạm”. Tuy nhiên, đây là ý kiến chủ quan của Sở Địa chính, không phải là ý kiến kết luận của UBND tỉnh trong thời điểm đó. Sau khi có Báo cáo số 518/CV-DC, Sở Công nghiệp đã giải trình với UBND tỉnh, Ban Quản lý tham mưu việc xin thủ tục cấp đất và nhà ở cho Khu tập thể căn cứ vào Khoản 2 Điều 2 và Khoản 2 Điều 16 của Nghị định 60/NĐ-CP vì khu đất này mua bằng quỹ phúc lợi và CNV tự góp tiền xây dựng. Áp dụng theo các điều khoản trên thì Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở sẽ được cấp cho Sở Công nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Công nghiệp cấp đất, nhà lại cho CNV Nhà máy Dệt Thống Nhất không sai thẩm quyền.

Chấp thuận giải trình như trên, UBND tỉnh không kết luận Sở Công nghiệp ký quyết định chưa đúng thẩm quyền và không chỉ đạo thu hồi quyết định của Sở Công nghiệp. Đến năm 2002, UBND tỉnh ban hành 115 quyết định thu hồi đất và giao quyền sử dụng đất cho 115 người.

nguyen giam doc so cong nghiep noi gi sau ket luan thanh tra 105552

Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đồng Nai về Dự án khu nhà tập thế Nhà máy Dệt Thống Nhất

- PV: Quyết định do ông ký dẫn đến việc tranh chấp. Người được ông ký quyết định cấp đất bán lại cho người khác ở đến nay nhưng cùng lô này lại được cấp GCN QSDĐ cho người khác nữa nên xảy ra tranh chấp, cụ thể như trường hợp bà Đường Thị Thanh.

-Ông Phạm Văn Sáng: Trong Quyết định tôi ký có Điều 2 như sau: “Sau khi có chủ trương phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai, BQL Khu nhà ở tập thể sẽ tiến hành lập thủ tục quyền sử dụng đất theo quy định nhà nước”. Điều này thể hiện tính chất tạm thời của Quyết định, không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Theo Kết luận của Thanh tra, trường hợp của bà Đường Thị Thanh có nguyên nhân sau: “Lô D3, theo báo cáo của UBND phường Tân Biên thì UBND tỉnh chưa giao cho ai. Tuy nhiên thực tế lô này đã cấp cho bà Nguyễn Thị Lý theo Quyết định số 45/QĐ-CN của Sở Công nghiệp năm 1996, do bà Lý chết nên không làm thủ tục để nhận đất theo dự án nên chưa có Quyết định giao đất của của UBND tỉnh. Sau đó bà Thanh mua lại của hộ bà Lý thì được giao D4 (do căn nhà lô D4 còn trống).

Bà Lưu Thị Ngà là người được UBND tỉnh ký quyết định giao lô D4, nhung khi giao đất ngoài thực địa nhằm sang lo D3 của bà Lý, sau đó bà Ngà sang nhượng lại cho ông Đông ở cho đến nay; sự việc này phát sinh tranh chấp (Đơn tranh chấp của bà Đường Thị Thanh gửi Sở Công thương)”. Theo tình tiết trên thì việc khiếu nại của bà Đường Thị Thanh là do giao nhằm lô đất, thuộc trách nhiệm của cơ quan được giao nhiệm vụ giao đất, không phải do Quyết định do tôi ký.

- PV: Theo như ông trình bày thì việc xin cấp đất do BQL Khu tập thể thực hiện và việc không thực hiện các bước tiếp theo sau khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 (gồm: lập, thẩm định phê duyệt hồ sơ, thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán các hạng mục hạ tầng kỹ thuật) không thuộc trách nhiệm của ông?

-Ông Phạm Văn Sáng: Trong Quyết định của UBND tỉnh giới thiệu địa điểm cho Sở Công nghiệp lập dự án quy hoạch chi tiết 1/500 khu tập thể có quy định: “Chỉ được phép sử dụng đất để xây dựng công trình khi hoàn thành các thủ tục giao đất chính thức và thủ tục xây dựng theo quy định”. Do đó, sau khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhiệm vụ của BQL tập trung triển khai thủ tục giao đất. Do phải làm thủ tục cho từng hộ nên đến tháng 8/2000 mới hoàn thành được thủ tục của 115 hộ xin giao đất để trình UBND tỉnh (vẫn còn 6 hộ chưa nộp đủ tài liệu để hoàn chỉnh hồ sơ). Trong Văn bản số 4166/UBT ngày 18/10/2000 UBND tỉnh thống nhất danh sách được cấp đất, UBND tỉnh chỉ đạo: “Sở Công nghiệp hướng dẫn cho các hộ tại khu nhà ở nêu trên làm việc với Sở Địa chính để hoàn tất các thủ tục theo quy định”.

Sau gần 2 năm, Sở Địa chính mới có Tờ trình số 3556/TTr.ĐC-NĐ ngày 6/6/2002 trình UBND tỉnh về việc giao quyền sử dụng đất ở cho 115 hộ gia đình trong Khu nhà ở tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất. Trong đó việc trích vẽ bản đồ khu đất tỉ lệ 1/500 do Trung tâm kỹ thuật địa chính – nhà đất hoàn thành ngày 5/3/2001, nhưng hơn 1 năm sau, ngày 21/5/2002, Sở Địa chính Nhà đất mới xác nhận.

Trong 115 Quyết định thu hồi đất và giao đất của UBND tỉnh có nội dung giao cho UBND TP.Biên Hòa: “Xác định ranh giới, mốc giới ngoài thực địa, tổ chức bàn giao đất cho người sử dụng và quản lý, kiểm tra sử dụng đất”. Theo tôi được biết thì việc giao đất cho các hộ đến năm 2007 mới hoàn thành.

Như vậy nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thực hiện dự án tập trung ở giai đoạn làm thủ tục xin giao đất và giai đoạn giao đất. Trên thực tế nếu không có sự phối hợp trách nhiệm của BQL Khu tập thể đôn đốc thì thời gian còn kéo dài hơn.

-PV: Các khoản thu chi kinh phí dự án không được ghi chép, hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Ông Phạm Văn Sáng: Theo Quyết định 999-TC/QĐ/CĐKT thì đối tượng áp dụng là đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng kinh phí ngân sách và kinh phí khác để phục vụ cho hoạt động của đơn vi.

Do việc xây dựng khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất không thuộc chức năng, nhiệm vụ theo quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Công nghiệp. Do đó, Ban lãnh đạo Sở thống nhất giao cho Công đoàn thực hiện thông qua việc thành lập BQL Khu tập thể. BQL Khu tập thể mở sổ sách kế toán riêng, không nằm trong hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính của Sở, nhưng có chứng từ cụ thể, hạch toán rõ ràng.

Hàng tháng, tôi đều kiểm tra và phê duyệt vào sổ sách kế toán để BQL Khu tập thể công khai tài chính cho những người đóng góp kinh phí. Trên thực tế từ năm 1997 đến 2003 khi tôi chuyển công tác, chỉ phát sinh chi với số tiền 54.917.247 đồng để thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cho 115 hộ.

Số tiền chi này không lấy từ tiền đóng góp của của các hộ mà từ nguồn phúc lợi khác của Sở Công nghiệp bổ sung cho quỹ Khu tập thể gần 90 triệu. Do đó, tổng số tiền thu của các hộ là 164 triệu, số tiền tồn tại quỹ của BQL khi tôi chuyển công tác là 193 triệu, cao hơn số tiền các hộ đóng góp.

nguyen giam doc so cong nghiep noi gi sau ket luan thanh tra 105552
Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao quyền sử dụng đất cho các cá nhân thuộc dự án.

- PV: Như vậy theo ông thì BQL Khu tập thể có công khai tài chính cho các hộ đóng góp tiền, không thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Quy chế công khai tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 192/2004/QĐTTg ngày 6/11/2004 và Thông tư số 03/2005/TT-BTC ngày 6/1/2005 của Bộ Tài chính.

-Ông Phạm Văn Sáng: Đúng như vậy. Tôi nhớ khi tôi chuyển công tác, các hộ đóng góp tiền rất phấn khởi khi biết đã có có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 115 hộ nhưng tiền của họ đóng góp không những không sử dụng đến mà còn được bổ sung thêm.

Theo kết luận của Thanh tra, Sở Công nghiệp không thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Quy chế công khai tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 192/2004/QĐTTg ngày 6/11/2004 và Thông tư số 03/2005/TT-BTC ngày 6/1/2005 của Bộ Tài chính. Kết luận này đúng vì lúc đó chưa có 2 văn bản trên.

- PV: Theo như ông trả lời thì ông không có thiếu sót gì trong việc thực hiện dự án này?

-Ông Phạm Văn Sáng: Không hoàn toàn như vậy. Thiếu sót của tôi là khi bàn giao cho GĐ Sở mới tôi chỉ bàn giao trách nhiệm chỉ đạo. Do đó, chỉ có biên bản bàn giao nội bộ, không có trong biên bản bàn giao nhiệm vụ. Mặc dù các chỉ đạo của UBND tỉnh trong Văn bản số 4166/UBT ngày 18/10/2000 và các Quyết định thu hồi đất, giao đất năm 2002, BQL Khu tập thể không còn có vai trò trong việc thực hiện các bước tiếp theo nhưng tôi vẫn động viên người kế nhiệm tiếp tục giúp việc xây dựng hạ tầng cho Khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất.

PV: Xin cám ơn!

Thanh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động