Nhật ký cách ly từ tâm dịch: "Những chuyện không muốn chép lại"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐó là hình ảnh những bác sỹ cấp cứu nửa đêm căng mình bước vào trận chiến giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid-19 nặng; là nữ bác sỹ nghe tin mẹ mất mà không thể về chịu tang; là một bác sỹ vừa chạy đi cấp cứu bệnh nhân vừa khóc...
Chị Đặng Thị Thanh có những dòng chia sẻ đầy khắc khoải:
22g32 ngày 14-5-2021: Các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực vẫn đang giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid-19 nặng. Chưa bao giờ màu áo xanh lại nhiều đến thế. Một đêm vất vả của ê-kíp Hồi sức tích cực.
Kèm theo thông tin đó là các hình ảnh, clip cho thấy những "chiến sỹ áo xanh" đang tất bật đi lại như con thoi trong phòng Hồi sức để chuẩn bị dụng cụ, cấp cứu, xử trí các ca bệnh có diễn biến xấu.
Các bác sỹ đi lại như con thoi để chuẩn bị dụng cụ, xử trí các cá bệnh nặng đêm 14-5 (ảnh Đ.T) |
14g ngày 15-5 (Thứ 7, ngày thứ 10 cách ly): Chị Thanh nghẹn lời viết về: "Những chuyện không muốn chép lại". Và chị Thanh chia sẻ lại câu chuyện của một nữ bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại đây. Bác sỹ này tâm sự:
Các bạn đã bao giờ nhìn thấy 1 bác sỹ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa???. Tôi của ngày hôm nay đấy!
Sáng, nhận được tin mẹ của 1 đồng nghiệp, 1 người em tại BV vừa qua đời đêm qua. Hiện, 2 vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại BV, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…
Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin 1 điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ấy cung cấp số điện thoại của Giám đốc BV và bạn ấy đang cố giải thích là bạn ấy không có, chờ bạn ấy gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa.
Các bác sỹ cấp cứu tích cực cho các bệnh nhân nặng bất kể ngày hay đêm (ảnh Đ.T) |
Nghĩ đến 1 nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi… Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân Covid-19 có diễn biến, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám cho bệnh nhân…
Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng lầm lũi đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân, cho cả người vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…
Làm sao để vững vàng bước tiếp đây???. Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này???.
Lời chia sẻ từ chị Thanh đã nhận được nhiều đồng cảm của cộng đồng. Mọi người đều thấu hiểu nỗi vất vả của các bác sỹ, nhân viên y tế đang căng mình chiến đấu với dịch bệnh, chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, mọi người bày tỏ cảm thông, chia sẻ với những sự hi sinh của những "chiến binh áo trắng". Tất cả đều mong các bác sỹ, nhân viên y tế của BV mạnh mẽ, vững vàng, kiên cường để chiến thắng dịch bệnh.
Một cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Thuận Thành, Bắc Ninh kiệt sức, ngất xỉu trong quá trình làm việc do quá tải (ảnh BYT) |
Tại tâm dịch Mão Điền-Thuận Thành, Bắc Ninh, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, ráo riết, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm... Mặc cho nắng nóng của mùa hè, những "chiến sỹ áo trắng vẫn" miệt mài quên thời gian để chạy đua với dịch.
BS chuyên khoa 2 Vương Thị Tuyến, Trưởng khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Từ hôm Bắc Ninh bùng phát dịch Covid-19 đến nay, chúng tôi làm việc cả ngày và đêm, quên cả hôm nay là thứ mấy.
Hai vợ chồng chị cùng tham gia chống dịch nên chị chỉ còn cách để 2 con ở nhà và dặn con nhớ ăn uống đầy đủ, tự biết cách chăm sóc nhau khi bố mẹ vắng nhà.
Còn BS. Ngô Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhiều cán bộ trẻ lẫy mẫu liên tục nhiều giờ đến đau cả tay, cổ họng khô khốc. Giờ nghỉ, ai nấy nhai trệu trạo từng hạt cơm, nước mắt và mồ hôi cứ tứa ra nhưng vẫn phải cố gắng để có sức khoẻ làm việc tiếp.
"Các cán bộ y tế suốt nhiều ngày căng mình đi lấy mẫu cho mấy nghìn người, mặc bộ đồ bảo hộ 2 lớp kính, hơi thở và mồ hôi mờ cay cả mắt. Cả một ngày, họ chỉ có nửa tiếng buổi trưa để ăn, thậm chí nước cũng không dám uống vì không thể đi vệ sinh. Trong hoàn cảnh như vậy, các y bác sỹ chỉ biết nắm tay, động viên nhau cố gắng: Bao giờ hết dịch, nhân dân bình yên chúng ta lại được trở về với gia đình”, BS. Xuân chia sẻ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại