Nhiều người dân chưa biết về quyền con người
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 12-4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phổ biến các nội dung cơ bản của công ước quốc tế, pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị và Luật Tiếp công dân. Thông tin tại Hội nghị, Tiến sỹ Lê Thị Hoa – Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, báo cáo viên tại Hội nghị cho biết: “Quyền con người là xử sự được phép mà tất cả thành viên của cộng đồng nhân loại không phân biệt giới tính, chủng tộc tôn giáo đều có từ khi sinh ra. Ở Việt Nam, dưới góc độ khoa học pháp lý, quyền con người là những nhu cầu lợi ích tự nhiên vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý. Tuy nhiên còn nhiều người dân chưa biết về quyền con người của mình”.
TS Lê Thị Hoa: "Việc tuyên truyền các quy định về quyền con người rất quan trọng và cần thiết để người dân biết và bảo vệ quyền của mình một cách chủ động”
Cũng theo Tiến sỹ Lê Thị Hoa, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị là một trong những công ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người. Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966, có hiệu lực ngày 23-3-1976. Việt Nam gia nhập Công ước ngày 24-9-1982 và đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong Công ước được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn. Đáng chú ý, Hiến pháp 2013 được xây dựng và ban hành đã thể hiện bước tiến mới trong tư duy lập hiến và bước phát triển vượt bậc trong quy định về quyền con người.
Đơn cử, trước đây chương 5 Hiến pháp năm 1992 mới chỉ quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng tên chương là “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và đặt tại chương 2, ngay sau chương 1 quy định về chế độ chính trị. Sự thay đổi tưởng chừng chỉ đơn thuần về mặt hình thức này thực chất đã khẳng định vị trí quan trọng của quyền con người, quyền công dân. Chương 2 của Hiến pháp sửa đổi cũng là chương có số lượng điều nhiều nhất, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49) quy định quyền con người, quyền công dân. Các quy định này theo hướng mở rộng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân; khẳng định cam kết của Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
“Trên thực tế còn nhiều người dân chưa biết hoặc biết đầy đủ về quyền của mình. Do đó việc các báo cáo viên pháp luật của thành phố Hà Nội nắm vững các nội dung cơ bản của công ước quốc tế, quy định pháp luật Việt Nam về quyền con người rất quan trọng và cần thiết để tuyên truyền, phổ biến cho người dân, giúp người dân biết và bảo vệ quyền của mình một cách chủ động” – TS Lê Thị Hoa nói.
Thanh Hải / PL&XH

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại