Thứ sáu 24/01/2025 13:40

Những mái ấm “Pháp luật Xã hội” nơi địa đầu Tổ quốc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày Hà Nội lạnh 10 độ thì ở Mèo Vạc (Hà Giang) nhiệt độ xuống rất thấp chỉ từ 3-6 độ, thậm chí vào ban đêm, một số nơi còn xuất hiện băng giá. Ở vùng đất cao nguyên đá, vào mùa đông, cái lạnh từ những mỏm đá tai mèo nhọt hoắt hắt lên càng khiến không khí lạnh như băng. Nơi đó, còn rất nhiều ngôi nhà tạm, vách tre nứa, có lẽ chỉ cần một cái huých nhẹ cũng khiến cả cái được gọi là nhà đó sập xuống bất cứ lúc nào. Và trong nhiều ngôi nhà tạm ấy, rất nhiều gia đình đã phải chống chọi với cái lạnh ở vùng cao nguyên đá hết mùa đông này sang mùa đông khác…
Những mái ấm “Pháp luật Xã hội” nơi địa đầu Tổ quốc
Gia đình anh Vừ Mí Nô xúc động khi nhận được tình cảm của cán bộ, phóng viên báo Pháp luật & Xã hội cùng bạn đọc

Ở huyện Mèo Vạc, phần lớn là những dãy núi cao nhấp nhô với những tảng đá tai mèo, đá chồng lên đá. Mùa lạnh, những tảng đá đen sậm. Lại gần, thấy rõ lớp rêu khô cong queo bám trên đá. Đứng giữa cao nguyên mênh mông, nghe gió rít trên mặt đá, cảm giác ớn lạnh. Màu đá làm xám xịt cả bầu trời. Nương ở đây cũng nằm trên đá. Hiếm hoi mới thấy vài mảnh nương bằng phẳng có diện tích đến vài trăm mét vuông. Hầu hết là những mảnh nhỏ, đất cũng lổn nhổn đá to bằng nắm tay. Cũng chính vì vậy, người dân ở đây không tính diện tích nương bằng sào mà tính bằng số kilogam giống gieo. Sau mỗi vụ canh tác, đất vơi dần đi, người dân nhặt đá xếp cao hàng chục centimet quây quanh nương.

Những mái ấm “Pháp luật Xã hội” nơi địa đầu Tổ quốc
Ngôi nhà xiêu vẹo, trống huếch của gia đình vợ chồng anh Vừ Mí Nô (thôn Há Đề, xã Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc)

Với 86.000 dân trong đó có 79% là bà con người Mông, toàn huyện Mèo Vạc có 17 xã và một thị trấn, trong đó 10 xã là núi đá, 3 xã ở vùng biên giới. Đến nay, vẫn còn hơn 7.000 hộ nghèo và 6% hộ cận nghèo. Đặc biệt là khí hậu ở Mèo Vạc rất khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, nước sinh hoạt của bà con rất thiếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tăng gia sản xuất. Đối với việc phát triển văn hóa xã hội, khó khăn lớn nhất vẫn là việc con em của bà con người Mông không đi học hoặc đi học rồi lại bỏ. Có nhiều lý do khi đặt ra câu hỏi tại sao các em không đến trường? Nào là do địa hình hiểm trở, nhà ở cách xa trường, phải ở nhà tham gia các công việc như giữ em, nấu cơm, chăn bò, chăn lợn, làm cỏ ngô,…

Câu chuyện về những đứa trẻ người Mông còn thiếu thốn, những ngôi nhà tạm, những thầy cô giáo đang vượt mọi khó khăn để trụ lại với nghề trên cao nguyên đá, để dạy cái chữ cho các em, và cả những trăn trở suy tư của các đồng chí lãnh đạo huyện đã khiến rất nhiều cán bộ, phóng viên Pháp luật & Xã hội không khỏi trăn trở.

Những mái ấm “Pháp luật Xã hội” nơi địa đầu Tổ quốc
Chỉ sau 2 tháng từ ngày báo Pháp luật & Xã hội hỗ trợ, một ngôi nhà kiên cố vững chắc đã xây dựng xong

Từ những năm 2013-2015, liên tiếp các đoàn công tác của Báo đã có những chuyến đi làm công tác từ thiện ở Mèo Vạc. Đến năm 2017, Báo đã tập trung vào công tác xóa nhà tạm. Năm 2017, báo Pháp luật & Xã hội cùng bạn đọc và chính quyền địa phương đã xóa 3 nhà tạm tại thị trấn Mèo Vạc. Đó là nhà của hộ ông Thào Mí Vừ, thôn Sán Tớ; nhà của hộ ông Ly Mí Và, thôn Tò Đú; nhà hộ ông Sùng Mí Tủa, thôn Tìa Chí Dùa đều ở thị trấn Mèo Vạc.

Đến năm năm 2020, thực hiện lời hứa với anh Vàng A Lử - Chủ tịch thị trấn Mèo Vạc (năm 2017), đoàn công tác Pháp luật & Xã hội đã đến xã Giàng Chu Phìn để tiếp tục xóa nhà tạm.

Gia đình anh Vừ Mí Nô (được hỗ trợ xóa nhà tạm lần này) là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn với 4 nhân khẩu, đang sống trong nhà tạm đã xuống cấp. Ở vùng đất toàn đá tai mèo này, những chiếc nhà tạm xiêu vẹo dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với các gia đình thiếu nhân lực làm việc hoặc những cặp vợ chồng mới ra ở riêng. Lấy nhau vài năm, có với nhau 2 đứa con nhưng vợ chồng nhà Vừ Mí Nô cũng chỉ tích cóp dựng được một chiếc nhà tạm. Thấy khách lạ, bọn trẻ lấm lem nép mình bên góc cửa gọi mẹ. Sợ con bị lạnh bởi những đợt gió lùa sương qua tấm vách gỗ ghép hở, vợ Vừ Mí Nô vội nhóm bếp lửa cho bọn trẻ sưởi ấm và nhân tiện chuẩn bị một ít mèn mén cho bọn trẻ ăn trưa. Tìm vội mấy chiếc ghế gỗ mời khách ngồi trên nền đất đẫm sương, Vừ Mí Nô kể: “Có tới hàng chục hộ ở trong xã Giàng Chu Phìn này sống trong cảnh nhà tạm. Mùa đông lạnh không lo sợ bằng mùa mưa. Có những đêm trời chuyển bão, cả nhà không ai dám ngủ vì lo nhà sập; có lần bị gió thổi tốc mái, nước mưa làm ướt hết chăn màn, cả nhà phải trùm bạt qua đêm.

Hoàn cảnh của nhà anh Vừ Mí Nô cũng không khác gì hoàn cảnh của 3 hộ gia đình đã được Pháp luật & Xã hội hỗ trợ xóa nhà tạm vào năm 2017. Mỗi nhà từ 3-7 miệng ăn trông chờ vào vài chục cân ngô thu hoạch mỗi vụ nên mỗi năm chỉ tích cóp được một ít tiền dùng để sửa chữa lại nhà.

Những ngôi nhà tạm ở Mèo Vạc xiêu vẹo trong gió đông khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Cùng tiếp chuyện với chúng tôi, anh Đỗ Văn Tuyên – Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn cười buồn: “Xã Giàng Chu Phìn cách trung tâm huyện 6km, tổng diện tích tự nhiên là 27.241ha, có 12 thôn, với 919 hộ và 5.058 nhân khẩu, có 5 dân tộc anh em chung sống, dân tộc Mông chiếm đa số trên 98%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của toàn xã trên 50%. Toàn xã có 3 đơn vị trường học, với trên 1.500 cháu. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã 15 triệu đồng/người/năm. Xã chủ yếu phát triển về nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, cơ bản trồng ngô. Trên địa bàn toàn xã có 4 thôn chưa có điện. Nguyên nhân người dân nơi đây nghèo không đơn thuần là dân trí thấp, một phần do canh tác lạc hậu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; đất sản xuất ít, đồng bào phải địu từng gùi đất lên các triền núi cao, bỏ vào hốc đá để trồng ngô một vụ”.

Cũng trong dịp này, báo Pháp luật & Xã hội đã trao 30 triệu đồng hỗ trợ trường Mầm non xã Giàng Chu Phìn xây dựng khu vực sân khấu có mái che để phục vụ công tác giảng dạy, sinh hoạt, vui chơi của cô và trò. Ba lần trước, ngoài hỗ trợ xóa 3 nhà tạm, báo còn tặng rất nhiều chăn, áo rét, bút, vở… cho các em học sinh khó khăn nơi đây với mong muốn giúp người nghèo và học sinh vùng cao biên giới vươn lên trong cuộc sống, thực hiện tốt nhiệm vụ trồng người.

Mùa đông năm nay, với mỗi người Pháp luật & Xã hội chúng tôi dường như bớt lạnh hơn vì cũng có vài hộ gia đình đã có một mùa Đông không lạnh trong những mái ấm “Pháp luật &Xã hội” kiên cố vững chắc. Đó cũng là động lực để những năm tiếp sau này, chúng tôi sẽ kêu gọi được nhiều hơn nữa những tấm lòng thiện nguyện cùng chúng tôi xây được thêm nhiều ngôi nhà cho bà con nghèo ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động