Thứ năm 23/01/2025 20:15

Những người phụ nữ kiên cường trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam với những diễn biến vô cùng nhanh, mạnh, phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nặng nề, tác động nghiêm trọng, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Điều dưỡng Bùi Thị Liên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Đồng Tháp
Điều dưỡng Bùi Thị Liên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Đồng Tháp

Nhiều dấu ấn

Trong bối cảnh đó, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh, với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả, mạng đậm dấu ấn của tổ chức Hội và phụ nữ, góp phần nhân thêm niềm tin, lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng. Điển hình như mô hình “đi chợ giúp dân”; “gian hàng không đồng”; “bếp cơm mùa dịch"; “chuyến xe yêu thương vì miền Nam ruột thịt”…

Đặc biệt, Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tiếp sức cho phụ nữ và trẻ em miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19 đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cho đến thời điểm này, các cấp Hội từ TƯ đến cơ sở đã huy động được nguồn lực đạt trên 129 tỷ đồng, tương đương với 430.200 suất quà. Tại các địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ là lực lượng chủ lực trong công tác hậu cần cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như tại các khu vực cách ly tập trung.

Trong đợt dịch lần thứ tư, các cấp Hội đã vận động hội viện phụ nữ trên địa bàn chung tay tham gia các hoạt động tình nghĩa hỗ trợ, chia sẻ với các tỉnh, TP bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như kết nối tiêu thụ nông sản, ủng hộ tiền, hiện vật gửi tặng người dân vùng dịch… Trong cuộc chiến chống dịch, nhiều tấm gương phụ nữ là những y bác sỹ, những chiến sỹ công an, những cán bộ Hội đã cống hiến hết mình cho cộng đồng. Họ đã được vinh danh bằng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Những chiến sĩ kiên cường nơi tuyến đầu

Gác lại bộn bề lo toan gia đình, những nữ y, bác sỹ BV TƯ Huế (Thừa Thiên – Huế) không ngại khó khăn bước vào trận chiến chống Covid-19. Vượt lên trên tất cả những rào cản về thể trạng và sức khỏe, tinh thần trách nhiệm cao cùng y đức của người thầy thuốc đã trở thành sức mạnh giúp các chị tiếp tục chiến đấu với những đêm trắng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Cách nhau hơn 1.000 km, tại Thừa Thiên – Huế, bố mẹ nữ bác sỹ Mai Thị Hồng Vân (Khoa Phục hồi chức năng, BV TƯ Huế) vẫn luôn mong đợi những cuộc điện thoại từ cô con gái đang ở TP Hồ Chí Minh. Những cuộc gọi thưa thớt và ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn vài ba câu báo cáo tình hình sức khỏe, nhưng đủ để khiến đấng sinh thành an tâm và tự hào về cô con gái của mình.

Bác sỹ Vân là một trong những nhân viên y tế đầu tiên đến Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (BV Dã chiến số 14) để nhận nhiệm vụ khi “chảo lửa” TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn dịch bệnh cam go nhất. Nhiều đợt đổi quân đã qua đi, nhưng chị vẫn tiếp tục ở lại. “Tôi vẫn muốn bám trụ lại nơi đây để mỗi ngày được giúp các bệnh nhân phục hồi chức năng, sớm trở về với cuộc sống thường ngày...”, bác sỹ Vân khẳng định.

Xung phong vào tuyến đầu chống dịch nơi xa với mong muốn giúp bệnh nhân mắc Covid-19 phục hồi chức năng sau điều trị bằng những kiến thức, kinh nghiệm của mình, nhưng bác sỹ Vân cũng không khỏi lo lắng khi hằng ngày phải trực tiếp tiếp xúc với mầm bệnh. Thế nhưng chỉ cần nhìn thấy bước đi chập chững của người bệnh sau cơn nguy kịch, tiếng nói chuyện rôm rả trong khu ra viện hay những cái vẫy tay chào tạm biệt của bệnh nhân khi xuất viện, nữ bác sỹ trẻ đã có thêm sức mạnh và động lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Là điều dưỡng trưởng phụ trách tại trung tâm, chị Nguyễn Thị Ngọc bắt đầu một ngày mới làm việc khi con thơ còn chưa thức giấc. Lúc chị trở về cũng là lúc con đã ngủ say. Con nhỏ đang còn ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” rất cần bàn tay chăm sóc, quan tâm của mẹ nhưng điều dưỡng Ngọc đành để mọi việc nuôi nấng, chăm sóc con nhờ cả vào người thân để phục vụ nhiệm vụ chống dịch, thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim”. Điều dưỡng Ngọc cho biết, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng khi được Ban GĐ BV phân công nhiệm vụ, chị sẵn sàng tham gia vào tuyến đầu chống dịch để chăm sóc, phục vụ tốt nhất cho người bệnh.

Vừa hoàn thành cách ly sau khi trở về từ Đồng Tháp, điều dưỡng Bùi Thị Liên, khoa Bệnh nhiệt đới BV E xúc động chia sẻ: Trên tinh thần muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong công cuộc phòng chống dịch, tôi đã cùng các đồng nghiệp BV E tham gia lực lượng chống dịch tại Đồng Tháp. Dù có chồng là bộ đội biên phòng thường xuyên xa nhà và 2 con gái nhỏ, con lớn 5 tuổi, con bé 3 tuổi, điều dưỡng Liên đã phải gác lại thiên chức làm mẹ, gửi 2 con về cho ông bà chăm để lên đường cùng đồng nghiệp vào tâm dịch. 2 năm vừa qua, kể từ khi xảy ra dịch bệnh, điều dưỡng Liên cho biết thời gian ở bên con rất ít dù các con còn đang ở tuổi cần bố mẹ bên cạnh để dạy dỗ, bảo ban.

Chia sẻ về những kỷ niệm trong những ngày tham gia chống dịch tại Đồng Tháp, điều dưỡng Liên xúc động nhớ lại: “Làm việc tại TP Sa Đéc, Đồng Tháp có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, bên cạnh những kỷ niệm khi chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, tôi không thể quên sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, đặc biệt những người anh, chị đi trước đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ. Dù thời gian làm việc TP Sa Đéc không phải là lâu nhưng tình cảm gắn bó giữa đồng nghiệp các BV, các đoàn tham gia chống dịch đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc được giao cũng như trong sinh hoạt. Ai cũng xa nhà cả nên mọi người gần như đều dành hết tình cảm cho bệnh nhân và các đồng nghiệp…”.

Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động