NSND Trung Hiếu trở lại sau 6 năm vắng bóng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ phim "Ngày mai bình yên" đề cập tới câu chuyện tích trữ lương thực của người dân trong thời điểm "giãn cách xã hội" |
Vẫn khai thác mảng màu về đề tài gia đình, bộ phim “Ngày mai bình yên” (đạo diễn Vũ Trường Khoa) còn đề cập tới vấn đề thời sự trong tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Kịch bản phim xoay quanh gia đình ông Phát (NSND Trung Hiếu đóng) gặp nhiều tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi đối mặt với quy định “giãn cách xã hội”. Bản thân ông Phát – chủ một doanh nghiệp xây dựng vừa phải chật vật duy trì hoạt động của Cty, xoay sở giải pháp trả lương cho nhân viên, vừa làm quen với “trạng thái bình thường mới”.
Trà (Kiều My đóng) là con gái cả của ông Phát mất việc ở Cty du lịch, trong khi Mai Khôi - đứa con út ở độ tuổi mới lớn cũng không thể đến trường, ở nhà học online.
NSND Trung Hiếu đảm nhận vai ông Phát |
Từ khi sống gần như cả ngày cùng vợ con ở nhà, ông Phát mới thấy cuộc sống quá ồn ào, phức tạp, liên tiếp phát hiện ra nhiều bất đồng quan điểm, khoảng cách thế hệ và những bí mật lâu nay bị che giấu.
Bà Trúc (diễn viên Thúy Hà) - vợ ông Phát luôn cố gắng tìm mọi cách để kết nối, giúp không khí trong gia đình bớt căng thẳng nhưng chính lúc này, dì Mai (Kiều Anh đóng) - cô em gái của Trúc lại liên tiếp gây chuyện bằng những dự án khởi nghiệp mùa dịch.
Mọi chuyện trong gia đình càng trở nên rắc rối hơn khi bố và em trai ông Phát từ quê lên chơi và bị “mắc kẹt” bởi quy định giãn cách xã hội. Từ đây, mâu thuẫn gia đình gây nên nhiều tình huống dở khóc dở cười. Thế nhưng, chính trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh ông Phát lại cảm nhận sâu sắc hơn về sự sẻ chia, thấu hiểu.
Bộ phim "Ngày mai bình yên" ghi hình thời điểm dịch bệnh nên diễn viên đeo khẩu trang trên phim |
Sự trở lại màn ảnh của NSND Trung Hiếu khiến khán giả vô cùng bất ngờ và kỳ vọng dấu ấn của anh trên phim. Thời gian qua, NSND Trung Hiếu bận rộn với vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nên không nhận lời đóng phim truyền hình.
Trước tình hình Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, các đơn vị nghệ thuật đóng cửa, đây có thể nói là giai đoạn mà sân khấu đang chịu rất nhiều khó khăn. Để vực dậy “thương hiệu” Nhà hát Kịch Hà Nội, những năm vừa qua, sân khấu kịch Thủ đô đã và đang có sự chuyển mình khi tiếp cận khán giả từ việc đưa tới sân khấu quay hiện đại nhất phía Bắc, mở sân khấu Quảng Lạc phố đi bộ.
Theo NSND Trung Hiếu, thực hiện chủ trương của Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội, sắp tới đường lối phát triển của Nhà hát sẽ mở sân khấu hàng đêm, là tụ điểm giải trí riêng cho khán giả.
Bên cạnh việc phát huy sân khấu Quảng Lạc, tại địa điểm Nhà hát Kịch sẽ đưa những vở diễn nhỏ để sáng đèn hàng đêm tạo thương hiệu sân khấu truyền thống Thủ đô. Cùng với đó là mục tiêu đưa sân khấu kịch vào học đường dành cho đối tượng thiếu nhi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại