Chủ nhật 20/04/2025 13:18

Ông giáo “thắp lửa” nhóm chia sẻ yêu thương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ năm 2004 đến nay, 13 năm thầy giáo Ngô Mạnh Cường ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã luôn trăn trở với công việc thiện nguyện và giúp đỡ được hàng trăm hoàn cảnh khó khăn ngay chính tại quê hương mình.

Với thầy Cường, làm việc thiện giúp thầy khỏe người ra và vui như chính người thân của mình được giúp đỡ.

Truyền thống tốt đẹp từ gia đình

Nói về những cử chỉ đẹp mà thầy giáo Ngô Mạnh Cường đã làm trong suốt 13 năm qua, thầy cười và nói rằng, đó là xuất phát từ truyền thống gia đình, từ bà nội, bố thầy đều rất thương người nghèo và sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Từ hoàn cảnh đầu tiên là em Nguyễn Thị Hòa mồ côi cả cha lẫn mẹ, thầy Cường đã động lòng trắc ẩn. Nghĩ rằng, trong khi con mình được nâng đỡ, chăm sóc đủ đầy, còn em Hòa không còn ai nương tựa. Cứ thế là thương và tìm cách giúp đỡ.

Thầy Ngô Mạnh Cường tâm sự, mọi suy nghĩ phải thực sự xuất phát từ cái tâm. Mình phải mong muốn, đồng cảm thì mới thương được họ. Nếu không có sự đồng cảm, có thể nhìn hoàn cảnh khó khăn, ai cũng động lòng thương nhưng rồi sẽ ngoảnh mặt đi vì nhiều lo toan trong cuộc sống chi phối. Một khi đã có tâm thực sự, tâm huyết và tình thương thực sự thì sẽ rất áy náy, phải tìm cách này cách khác để giúp đỡ được người khó khăn như thế.

Thầy Cường luôn trăn trở với các hoàn cảnh khó khăn. Qua lời kể của thầy, có hai mẹ con chị Nguyễn Thị Được ở xã Sơn Công cần giúp đỡ mà thầy chưa tìm ra được phương thức nào tốt nhất. Thầy kể, mẹ con chị Được mắc bệnh thần kinh. Nhà không có điện, không có giường, không chăn chiếu. “Sau khi tôi kêu gọi giúp đỡ thì đến nay đã kéo được điện về nhà, nhóm chia sẻ của tôi đã gom góp tặng nhà chị nồi cơm điện, mâm, bát để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Có người thương mua giường, mua đệm, có điều căn nhà cần sửa mà bản thân tôi chưa tìm được phương cách”, thầy Cường nói.

Khi nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn mà chưa giúp đỡ được, bản thân thầy Cường cũng mất ăn mất ngủ. Rét mướt thế này, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm… Cứ nghĩ đến thế thôi là thầy Cường lo lắng lắm.

Được biết, nhóm Chia sẻ yêu thương do thầy Cường đứng ra thành lập từ 20-10-2016, xuất phát lúc đầu chỉ có 5 thầy cô giáo, thấy trường hợp nào khó khăn là cùng góp tiền, tặng quà. Thậm chí, nhóm còn đi quyên góp quần áo cũ, giặt lại đưa cho những người có hoàn cảnh khó khăn. “Họ mặc đồ cũ nhưng sạch sẽ, ấm áp tình người, đó mới là quan trọng”, thầy Cường chia sẻ.

Năm vừa qua, nhóm của thầy Cường vận được hơn 30 triệu đồng, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn những dịp lễ, Tết, Trung thu. Trước khi có nhóm chia sẻ, thầy giáo Cường đã nhiều lần trằn trọc suy nghĩ kêu gọi, vận động cho cả những trường hợp được mổ tim. Thầy luôn sợ rằng, nếu mình không vận động được sớm thì không biết các cháu có còn sống được đến ngày có người tài trợ hay không.

ong giao thap lua nhom chia se yeu thuong

Thầy giáo Ngô Mạnh Cường: “Không phải cứ giàu là đã làm được việc thiện, nếu nghèo mà có tâm thì vẫn làm được việc thiện”. ẢNH: KHÁNH PHONG

Những niềm vui

Ngoài những phần quà nhỏ cho các trường hợp khó khăn như thùng mì tôm, chai dầu rán, gói bánh thì có 3 trường hợp thầy Cường đã vận động được nguồn tài trợ để giúp họ mổ tim từ 100 triệu đồng trở lên, mổ u mầm thận khoảng hơn 200 triệu đồng. Đó là trường hợp của Hồng Vân, Phạm Minh Duy, Mai Trí Thực. Thầy cũng đã kêu gọi xây dựng làm nhà cho 2 gia đình.

Những việc làm của thầy Cường luôn được gia đình ủng hộ. Các con của thầy giáo Cường hiện nay cũng tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thầy Cường nói rằng, khi giúp đỡ được người khác, họ vui, thầy cũng ấm lòng. Có những thời điểm, thầy Cường đạp xe đi chụp ảnh, viết bài, gửi sang Mỹ nhờ nhóm người bên Mỹ ủng hộ mỗi tháng 500 nghìn đồng cho hàng chục trường hợp.

Với người thầy giáo giản dị, bao dung và lương thiện ấy, làm được việc tốt thì vui và lại giúp chính mình khỏe ra. Thầy Cường tâm sự, thời điểm trước 2004, có những năm 3 lần thầy đi viện vì rối loạn tiền đình, huyết áp cao. Thế nhưng từ khi làm từ thiện, tâm phấn khởi nhẹ nhàng, thầy luôn cảm thấy vui và khỏe ra, ít phải đi viện.

Hồi tháng 10-2017, thầy giáo Ngô Mạnh Cường là đại diện duy nhất của ngành giáo dục TP Hà Nội được tham dự giải tuyên dương công dân Thủ đô ưu tú và được đích thân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhắc đến nêu gương người tốt, việc tốt. Tuy chưa được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, nhưng với thầy Cường, sự động viên của mọi người như thế là đủ để thầy cảm thấy hạnh phúc và tiếp tục làm việc tốt. Kế hoạch năm nay của thầy và nhóm chia sẻ là phấn đấu có khoảng 15 triệu đồng để tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn. Niềm vui của thầy còn là việc nhiều học sinh cũ của thầy đã thành đạt, đi khắp bốn phương trời vẫn gọi điện về cho thầy, liên hệ với thầy qua facbook để cùng muốn chung tay với thầy giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Quà tặng của thầy chỉ đơn giản là niềm vui của người được giúp đỡ. Có trường hợp như em Vân mổ tim, mẹ em nói “ơn suốt đời không biết bao giờ trả được thầy”. Thầy Cường thấy gia đình nói được câu ấy là đủ vui và cảm động lắm rồi. Chính trường hợp của Vân khi gia đình báo đã có tên trong danh sách mổ tim, thầy Cường vui đến mất ngủ. “Vui lắm, khi thấy hoàn cảnh được giúp đỡ, tôi đã vui đến mức không thể ngủ được”, thầy Cường nói.

Có trường hợp như cụ Trần Gia Sản ở thôn Vĩnh Hạ, 81 tuổi, có con dâu qua đời vì bệnh tim, con trai thần kinh xích chân trên giường, hai cháu nhỏ dại, thầy Cường kêu gọi xây cho cụ được căn nhà. Cụ luôn bảo “không có thầy tôi không mơ đến việc làm nhà”. Rồi đến tận bây giờ, cụ vẫn thường xuyên đạp xe sang nhà thầy, khi thì bơ vừng, củ sắn, khi lại quả bí đao, nhà có gì cụ tặng thầy cái đó để trả ơn. “Tôi cảm động lắm. Tôi nói với cụ nhiều lần rằng tôi giúp vì thương chứ không vì cái này, cái khác. Nhưng cụ vẫn cứ đều đặn đến cảm ơn tôi như thế và nói “thầy nhận cho tôi vui lòng”. Mỗi lần cụ đến, tôi đều gửi cho các cháu hộp quà, tấm bánh”, thầy Cường tâm sự.

Có những kỷ niệm, cũng là niềm vui mà thầy Cường không thể quên, như trường hợp của Mai Trí Thực. Khi chương trình tivi về trường hợp này phát sóng, cả một buổi trưa điện thoại thầy Cường nóng rực vì có người mách địa chỉ chữa thuốc, có người ủng hộ tiền. “Có hơn 30 cuộc điện thoại buổi trưa hôm đó, vận động cho em Thực được hơn 200 triệu đồng, tôi thực sự vui.

Có nhóm người ở Hải Phòng xem được thì cũng đi vận động ủng hộ giúp đỡ được hơn 4 triệu đồng. Họ kể rằng đã đi “ăn xin”, gõ cửa từng nhà, người năm chục, người một trăm, người ít người nhiều nhưng đó thực sự là hình ảnh rất đẹp”.

Khánh Phong - Nhật Minh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động