Thứ sáu 24/01/2025 06:08

Phân khúc văn phòng cho thuê ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa”?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những biến chuyển trong nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nhất định tới thị trường trong nước. Đáng chú ý, phân khúc bất động sản văn phòng Hà Nội chứng kiến sự chững lại rõ rệt. Đứng trước điều này, chuyên gia Savills đã nhìn nhận và đánh giá một số giải pháp sáng tạo của chủ đầu tư trong hoạt động hỗ trợ khách thuê văn phòng hiện nay.
Phân khúc văn phòng cho thuê ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa”?
Ảnh minh họa: Tiểu My

Hiện tượng “khủng hoảng thừa”

Bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện đang để lại những ảnh hưởng, tàn dư rõ rệt tới nền kinh tế quốc nội và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, trong nửa đầu năm 2023, có 16.900 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc giải thể tại Hà Nội, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ nửa đầu năm 2020 mà số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường và tiếp tục hoạt động kinh doanh có sự giảm sút. Nhìn chung, lượng lớn doanh nghiệp tại Hà Nội đang phải đối mặt với các khó khăn tài chính.

Điều này vô hình chung góp phần hình thành sự chững lại trong phân khúc văn phòng cho thuê tại Thủ đô, dẫn tới hiện tượng “khủng hoảng thừa”. Theo nghiên cứu mới nhất về thị trường của Savills Việt Nam, ước tính nửa đầu năm 2023, công suất thuê, tuy ổn định theo quý, nhưng giảm -2 điểm % theo năm xuống 86%; diện tích cho thuê thêm -33.400m2.

Đứng trước những thách thức từ bối cảnh kinh tế vĩ mô, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Lượng lớn doanh nghiệp tại Hà Nội đang phải đối mặt với các khó khăn tài chính. Khách thuê đang thận trọng khi đưa ra các quyết định trung hạn. Bởi vậy, tại phân khúc văn phòng, bản thân chủ đầu tư đang linh động hóa chính sách cho thuê, đồng thời tập trung cung cấp những ưu đãi về dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi tìm kiếm và lựa chọn không gian làm việc. Đây được xem là tín hiệu tích cực để có thể góp phần khôi phục thị trường trong thời gian tới”.

Nhiều ưu đãi dành cho khách thuê văn phòng

Trong ngắn hạn, nhu cầu thuê văn phòng mới có thể sẽ chậm lại do khách thuê vẫn cẩn trọng và do dự trước áp lực kinh tế. Vị Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ rằng, các chủ đầu tư đang tích cực triển khai những ưu đãi, chính sách mới nhằm kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đầu tiên, một số dự án đang bắt đầu cung cấp các hỗ trợ cần thiết liên quan tới tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo Nghị định 136 có hiệu lực từ đầu năm 2021 và loạt Thông tư hướng dẫn ban hành từ đầu năm 2022, yêu cầu thẩm duyệt thiết kế PCCC của doanh nghiệp đã phức tạp hơn trước và có sự thay đổi liên tục. Điều này sẽ tạo rào cản tương đối về chi phí và thời gian thực hiện, đặc biệt với các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bà Hoàng Nguyệt Minh chia sẻ: “Việc kéo dài quá trình thẩm định phê duyệt PCCC ảnh hưởng tương đối nhiều tới ngân sách của một công ty. Thực chất, nhiều khách thuê không nắm bắt được quy trình phê duyệt bài bản, không có kinh nghiệm dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình vận hành sau này. So với trước đây, doanh nghiệp mất lên tới 2 tuần để xin thẩm duyệt bản vẽ, 2 tuần để xin Bộ phê duyệt thì bây giờ, các chủ đầu tư sẽ trực tiếp đứng ra và xin phê duyệt cho khách thuê, từ đó tiết kiệm nhiều thời gian và tối ưu chi phí của doanh nghiệp hơn”.

Tiếp đó, chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị cho thuê với gói hỗ trợ về chi phí thi công văn phòng. Xét trên tổng thể các khoản doanh nghiệp cần bỏ ra để mở rộng hay tìm kiếm mặt bằng mới, chi phí thi công thường chiếm tỷ trọng lớn, bao gồm các công đoạn như thiết kế, sắp đặt nội thất, thi công... Thông thường, thời gian để hoàn thiện văn phòng thường lên tới 2 tháng. Do đó, chi phí thi công thường được xem là rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt khi họ quyết định mở rộng hoặc thay đổi vị trí văn phòng.

Nhìn nhận về điều này, bà Chu Thanh Hương - đại diện Vinhomes Office Leasing phân tích: “So với 5 hay 10 năm về trước, khi bản chất phân khúc bất động sản văn phòng là nơi thực hiện các giao dịch mua - bán đơn thuần, bây giờ chủ đầu tư nắm vai trò đồng hành sát hơn với khách hàng. Đặc biệt, bước vào giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4, đây thường là thời điểm các công ty tập trung lên kế hoạch chi tiêu, ngân sách dự toán hàng năm. Bởi vậy, khi triển khai các giải pháp và ưu đãi từ bây giờ sẽ tạo tiền đề tốt để hoạt động cho thuê sôi động hơn trong cuối năm 2023.

Đơn cử tại tòa tháp văn phòng TechnoPark Tower - dự án được chứng nhận LEED Platinum đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội, chúng tôi liên tục đánh giá toàn bộ thị trường và những khó khăn khách hàng đang gặp phải, từ đó mang tới những gói hỗ trợ phù hợp nhất với doanh nghiệp, về tiện ích nội khu hay thậm chí chi phí thuê mặt bằng”.

TechnoPark Tower là dự án hiếm hoi tại Hà Nội với tổng diện tích văn phòng lên đến 110.000m2. Là tòa nhà tiên phong xu hướng văn phòng xanh và thông minh, nơi đây được cho là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp với tầm nhìn mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực kinh tế Đông Bắc. Thừa hưởng hệ sinh thái khép kín tại đại đô thị Vinhomes Ocean Park, dự án hội tụ đa dạng dịch vụ, tiện ích trong bán kính gần, đáp ứng tốt và toàn diện nhu cầu của khách thuê khi làm việc tại đây.

Nghệ An: Chấm dứt đầu tư đối với nhiều Nghệ An: Chấm dứt đầu tư đối với nhiều "dự án treo"
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động