Phát huy nguồn lực từ sản phẩm OCCP
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGian hàng trưng bày sản phẩm OCOP gạo nếp cái hoa vàng và gạo thơm Bối Khê của HTX nông nghiệp Tam Hưng |
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cho biết: Định hướng của Thành ủy TP Hà Nội từ nay đến 2025 sẽ có thêm khoảng 2.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Đến hiện tại các quận, huyện đã tham gia đánh giá được 416 sản phẩm, trong đó hội đồng đánh giá đợt 1 được 337 sản phẩm. Hôm nay huyện Thanh Oai đánh giá sản phẩm OCOP, đề nghị hội đồng đánh giá và các chủ thể hộ kinh doanh lưu ý để thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và Nghị định 115/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.
Thay mặt Hội đồng OCOP TP Hà Nội, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM biểu dương sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình OCOP của huyện Thanh Oai. Ông Ngọ Văn Ngôn cũng đề nghị các đồng chí trong hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP TP đưa ra những đánh giá công tâm, khách quan, công khai, minh bạch đối với tất cả sản phẩm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và quyết định số 781/QĐ-TTg về việc đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng chủ yếu thuộc 2 nhóm ngành: Thủ công mỹ nghệ và thực phẩm. Một số sản phẩm tiêu biểu như: nón lá làng Chuông (xã Phương Trung); sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhựa giả mây (xã Kim Thư)… tham gia đánh giá lần đầu và sản phẩm được đánh giá lại gồm: gạo nếp cái hoa vàng, gạo Bắc thơm số 7 (xã Tam Hưng) và giò bì lợn, nem chua, giò xào… (xã Tân Ước).
Nghệ nhân Lê Văn Tuy, chủ hộ sản xuất nón tại làng Chuông, xã Phương Trung, có 5 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP lần này chia sẻ, các sản phẩm nón làng Chuông mang vẻ đẹp truyền thống, được ưa chuộng bởi du khách trong và ngoài nước. Tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, sản phẩm nón luôn chú trọng đến chất lượng, mẫu mã để đảm bảo sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP lần thứ nhất tại huyện Thanh Oai được Hội đồng tư vấn cụ thể giúp chủ thể thay đổi định hướng mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp với công bố chất lượng.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong Chương trình OCOP, huyện Thanh Oai còn gặp khó khăn do một số sản phẩm chủ lực thiếu vốn đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản... Để Chương trình OCOP phát huy hiệu quả, theo GĐ HTX Hoàng Long (xã Tân Ước) Nguyễn Trọng Long, HTX tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt lợn an toàn và xây dựng thương hiệu, sản xuất theo chuỗi khép kín. HTX rất cần được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển khẳng định, để thu hút các DN, HTX đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể về kinh phí, khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại...
Huyện cũng dành nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; trong đó tập trung vào mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương kết hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết, huyện hiện có 46/51 làng nghề truyền thống phát triển, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất lúa 6.453ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300ha phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ. Huyện cũng đang có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao diện tích 11,7ha, trồng hoa lan nuôi cấy mô 4.500m2, trồng dưa lưới và táo theo hướng VietGAP 5.300m2. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại