"Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý, lãnh đạo các tỉnh/thành, các chuyên gia kinh tế và đại diện hơn 500 doanh nghiệp, đại lý du lịch cùng hơn 60 cơ quan thông tấn, báo chí - truyền hình.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập BizLIVE cho biết, sự bùng nổ của ngành hàng không những năm vừa qua xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nội địa và quốc tế.
Làm thế nào ngành hàng không đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch - ngành mà Đảng và nhà nước đang chủ trương phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh kết cấu hạ tầng ngành hàng không chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm nghẽn đặc biệt là kết cấu hạ tầng hàng không tại các khu vực đang được quy hoạch thành những trung tâm du lịch lớn của Quốc gia.
“Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không, đâu là cơ hội cho những hãng hàng không mới, làm gì và làm thế nào để tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế đặc biệt tư nhân tham gia kết cấu hạ tầng hàng không, kinh doanh dịch vụ hàng không đang là câu hỏi đặt ra”, ông Tuấn nói.
Trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng đạt mức 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá. Trong 6 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đã đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176,4 nghìn tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ĐH Fulbright, phát biểu tại hội thảo. |
Năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, cùng với đó có 7,5 triệu lượt người Việt Nam du lịch ra nước ngoài và trên 70 triệu lượt người Việt du lịch trong nước. Đa số khách hàng đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển.
Việt Nam không phải ngoại lệ khi tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng số lượng hành khách dẫn đến tình trạng sân bay quá tải. Để giải quyết vấn đề này, kinh nghiệm một số nước trong khu vực cho thấy, Chính phủ đã hỗ trợ các hãng hàng không trong thời gian đầu về vốn, hạ tầng giúp phát triển du lịch và kinh tế vùng.
Hiện nay tại Việt Nam có 4 hãng hàng không đang hoạt động Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco, trong đó Vietnam Airlines sở hữu Vasco và 70% vốn của Jetstar hoạt động tại 28 sân bay với 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, mới khai trương sân bay Cam Ranh và sân bay Long Thành sắp xây dựng.
Đóng góp của hàng không cho phát triển kinh tế đặc biệt là du lịch trong thời gian tới như thế nào, dư địa của ngành hàng không còn hay không, liệu có cơ hội cho các hãng hàng không mới… Tất cả những nội dung này được bàn luận tại hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam” với 3 phiên thảo luận: Tiềm năng phát triển ngành hàng không, Lời giải cho điểm nghẽn hạ tầng, Cơ hội mở cho các hãng hàng không mới.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại